145. Bảo đảm khoản vay ngân hàng: mòn mỏi chờ nghị định

TS. Bùi Đức Giang (Đại học Paris 2, Pháp)

Nguồn: TBKTSG Online 13 Aug 2018

(TBKTSG) – Đã hơn một năm rưỡi kể từ ngày Bộ luật Dân sự (BLDS) mới có hiệu lực, các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn phải “mòn mỏi” chờ đợi nghị định hướng dẫn phần quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bộ luật này. Thực tế đáng buồn này đang vô tình gây rất nhiều khó khăn, thậm chí bế tắc cho các TCTD và khách hàng của mình khi xác lập và thực hiện giao dịch.

Thiếu quy định…

Một ngân hàng nọ đã tìm được một khách hàng có uy tín trên thị trường để cấp một khoản vay có giá trị lớn. Hai bên dự kiến xác lập một hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ để bảo đảm cho khoản vay do khách hàng này không còn các nguồn tài sản bảo đảm truyền thống khác như bất động sản, trong khi lại có các quyền đòi nợ rất “hấp dẫn” đối với ngân hàng.

Tuy vậy, khi hai bên tiến hành đàm phán hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ thì lại gặp một cản trở pháp lý rất lớn là biện pháp bảo đảm này không được quy định trong BLDS. Thậm chí, cho dù luôn được coi là loại quyền tài sản điển hình nhất, song quyền đòi nợ cũng không xuất hiện trong khái niệm quyền tài sản của BLDS. Chính điều này làm cho việc thế chấp loại tài sản này trở nên mong manh hơn.

Cũng cần nói thêm rằng, đây là một biện pháp bảo đảm rất phổ biến và chiếm ưu thế trong danh mục tài sản bảo đảm tại các nước phát triển và rất có tiềm năng trở thành biện pháp bảo đảm chính trong cấp tín dụng có bảo đảm cho doanh nghiệp ở Việt Nam trong tương lai gần.

Tương tự, khi việc nhận và xử lý thế chấp phần vốn góp gặp rất nhiều khó khăn trong thực tế, do pháp luật về doanh nghiệp thiếu quy định, các TCTD hoàn toàn có quyền (chính đáng) chờ đợi các hướng dẫn trong phần quy định chung về giao dịch bảo đảm. Chỉ có điều BLDS hiện không có quy định chuyên biệt nào về biện pháp bảo đảm này. Việc xử lý tài sản thế chấp là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai dường như cũng đang phải chịu chung số phận.

Ngay cả việc sử dụng thẻ tiết kiệm làm tài sản bảo đảm cũng ít nhiều bị đảo lộn bởi quy định mới của BLDS. Bởi vì theo quy định cũ của pháp luật về giao dịch bảo đảm và quy định hiện nay của Ngân hàng Nhà nước, cầm cố là biện pháp bảo đảm áp dụng cho thẻ tiết kiệm; trong khi đó, nếu áp dụng theo quy định của BLDS về cầm cố thì sẽ có rủi ro lớn cho TCTD nhận cầm cố thẻ tiết kiệm do một TCTD khác (là bên nhận tiền gửi) phát hành. Thực vậy, do cầm cố tài sản chỉ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố (khoản 2, điều 310, BLDS) nên biện pháp cầm cố của TCTD trong trường hợp này không có hiệu lực đối kháng với TCTD nhận tiền gửi, bởi chỉ có TCTD nhận tiền gửi mới là bên nắm giữ số dư tài khoản tiền gửi tiết kiệm là đối tượng của cầm cố. Nói cách khác, nếu TCTD nhận tiền gửi sau đó nhận cầm cố chính thẻ tiết kiệm này, thì sẽ có quyền ưu tiên thanh toán cao hơn so với TCTD nhận cầm cố ban đầu cho dù xác lập cầm cố sau. Hơn nữa, TCTD nhận tiền gửi hoàn toàn có thể thực hiện việc bù trừ nghĩa vụ nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật, gây bất lợi cho TCTD nhận cầm cố ban đầu. Vướng mắc này chỉ có thể được giải quyết nếu nghị định hướng dẫn công nhận thế chấp là biện pháp bảo đảm áp dụng đối với số dư tài khoản (bao gồm cả số dư tài khoản tiền gửi tiết kiệm), bởi vì khi đó thứ tự ưu tiên thanh toán sẽ được xác lập theo thứ tự đăng ký thế chấp.

Trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều trường hợp đã và đang xảy ra trong thực tế để minh chứng cho sự cần thiết phải ban hành một nghị định hướng dẫn chi tiết một số quy định của BLDS về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Cũng cần nhấn mạnh thêm là BLDS mới đã quy định một số chế định pháp lý mới có ảnh hưởng trực tiếp tới việc xác lập, quản lý và xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD như quyền bề mặt, quyền hưởng dụng, bảo lưu quyền sở hữu… song hiện vẫn còn thiếu vắng các quy định rõ ràng về hệ quả pháp lý của các chế định pháp lý này đối với các biện pháp bảo đảm khoản vay của các TCTD. Đặc biệt, BLDS dù đã trao cho TCTD quyền truy đòi tài sản bảo đảm nhưng lại không nêu rõ cơ chế để thực thi quyền này như thế nào. Điều này gây ra không ít băn khoăn cho các TCTD và có nguy cơ dẫn tới các cách giải thích khác nhau khi áp dụng.

Nói một cách công bằng, nếu xét tình trạng các quy định hiện nay của BLDS, thì sẽ không thực sự khó khăn trong việc lập ra một danh sách các điểm cần hướng dẫn hay quy định chi tiết.

Vì đâu?

Việc phải chờ đợi quá lâu nghị định hướng dẫn ít nhiều gây thất vọng cho các TCTD và khách hàng. Được biết, dự thảo nghị định này đã được Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm chủ trì soạn thảo (một cách khá công phu với sự tham gia của rất nhiều chuyên gia đến từ nhiều đơn vị khác nhau) và đã ở trạng thái “sẵn sàng” để Bộ Tư pháp trình Chính phủ thông qua ngay vào đầu năm 2017 – là thời điểm mà BLDS có hiệu lực. Sự “chần chừ” của Bộ Tư pháp được hiểu là để chờ xem trong thực tế có phát sinh vấn đề gì liên quan đến việc áp dụng phần quy định của BLDS về các biện pháp bảo đảm hay không. Cũng được “thai nghén” trong cùng thời điểm, Nghị định số 102/2017/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm đã được ban hành vào ngày 1-9-2017.

Là một nền pháp luật tiên tiến, nhất là trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm, pháp luật Pháp đưa các quy định về các biện pháp bảo đảm vào trong BLDS (Code civil). Được quy định một cách cụ thể, chi tiết ngay trong luật, do đó chúng có thể thi hành ngay mà không cần văn bản hướng dẫn. Song dường như đây không phải là cách tiếp cận của các nhà lập pháp Việt Nam. Thực vậy, phần quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của BLDS hiện hành (từ điều 292 đến điều 350) rõ ràng là chưa đủ để tạo lập một hành lang pháp lý chi tiết và hoàn thiện về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và do đó việc ban hành nghị định hướng dẫn (hay nói theo ngôn ngữ của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là nghị định quy định các biện pháp thi hành) dường như là điều tất yếu. Trước đây, bên cạnh các quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của BLDS năm 2005, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 163/2006/NĐ-CP (được bổ sung, sửa đổi năm 2010 và năm 2012) quy định chi tiết và hướng dẫn áp dụng các quy định về giao dịch bảo đảm của BLDS. Hai văn bản này bổ sung cho nhau và tạo ra hành lang pháp lý khá hiệu quả về giao dịch bảo đảm (được ghi nhận rộng rãi trong thực tế), đồng thời là cơ sở để ban hành một số văn bản quy định chi tiết khác về lĩnh vực này.

Từ thực tiễn áp dụng BLDS và ngay cả dưới góc độ học thuật, cần lắm một nghị định hướng dẫn như thế! Ai cũng hiểu tín dụng là mạch máu của nền kinh tế và các biện pháp bảo đảm hiệu quả là “đòn bẩy” cho lòng tin của TCTD khi cấp tín dụng cho khách hàng của mình.

144. So sánh chế định bảo lãnh trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và pháp luật dân sự Pháp

TS. Đoàn Thị Phương Diệp – TS. Dương Kim Thế Nguyên

Nguồn: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 07/2018

Tóm tắt: Việc xây dựng khái niệm mang tính khách quan, trung lập về bảo lãnh là sự cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi các hoạt động của ngân hàng đang tiềm ẩn những rủi ro cao, đồng thời việc nhìn nhận mang tính khách quan về bảo lãnh một lần nữa khẳng định sự bình đẳng về vị trí giữa các bên trong quan hệ bảo lãnh, thể hiện đầy đủ bản chất của quan hệ dân sự.

Từ khóa: Bảo lãnh, luật dân sự, bên được bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh, giao dịch bảo đảm.

Abstract: An objective, neutral concept of the guarantee is necessary in the current context when the banking performances are exposed to high risks and objective insights into security. It is once again confirmed the equality of positions among the parties in the business relationship, fully reflected the nature of the civil relations

Keywords: guarantee, civil law, guaranteed party, the guarantee, guaranteed transaction

1. Khái niệm bảo lãnh trong luật Việt Nam và pháp luật Pháp

1.1 Khái niệm bảo lãnh

Bảo lãnh được định nghĩa là “Các thoả thuận mà theo đó, một người có nghĩa vụ bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ của một người khác đối với người thứ ba”[1]. Như vậy, bảo lãnh làm hình thành nên một loại nghĩa vụ dân sự. Nghĩa vụ, theo định nghĩa tại Điều 274 Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015 (BLDS 2015), “là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền)”. Từ nghĩa vụ bảo lãnh có thể sẽ là cơ sở để làm phát sinh các nghĩa vụ khác, ví dụ, nghĩa vụ hoàn lại giữa những người đồng bảo lãnh cho người bảo lãnh đã hoàn tất nghĩa vụ, hay nghĩa vụ hoàn trả của người được bảo lãnh với người bảo lãnh đã hoàn tất nghĩa vụ bảo lãnh. Nghĩa vụ bảo lãnh là loại nghĩa vụ có điều kiện theo cách quy định của BLDS 2015 hiện hành[2].

Điều 335 BLDS 2015 định nghĩa: “Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”.

Nếu chỉ nhìn thoáng qua, khái niệm bảo lãnh này không khác nhiều so với quy định tương tự trong BLDS Pháp (Điều 2288)[3], cụ thể BLDS Pháp quy định “Bên bảo lãnh cho một nghĩa vụ chịu trách nhiệm trước chủ nợ về việc thực hiện nghĩa vụ nếu bên mắc nợ không tự mình thực hiện nghĩa vụ”.

Tuy nhiên, khi so sánh giữa luật Việt Nam và luật của Cộng hòa Pháp, mối quan hệ về thực hiện nghĩa vụ giữa bên có quyền với bên có nghĩa vụ và bên bảo lãnh có sự khác biệt rõ ràng. Luật của Pháp thiết lập tình trạng mặc nhiên là bảo lãnh đơn giản[4].Tình trạng bảo lãnh này cho phép khi bên nhận bảo lãnh yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ (sau khi yêu cầu này không được đáp ứng bởi bên có nghĩa vụ – được bảo lãnh), bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên có quyền phải tiến hành các thủ tục yêu cầu và bán tài sản của bên mắc nợ trước, và chỉ trong tình trạng bên này không còn tài sản để thực hiện nghĩa vụ thì bên bảo lãnh mới thực hiện nghĩa vụ thay (Điều 2298, 2299, 2300 BLDS Pháp). Trong khi đó, khoản 2 Điều 335 BLDS 2015 của Việt Nam quy định: “Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh”. Với quy định này, một tình trạng liên đới được thiết lập giữa bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh. Theo đó, bên nhận bảo lãnh ngay khi không được thực hiện nghĩa vụ bởi bên có nghĩa vụ có thể yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình mà không cần biết và cũng không có nghĩa vụ phải biết liệu bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ vì nguyên nhân gì[5].

Phân tích hệ quả của quy định này, có thể thấy rằng luật Việt Nam đã hướng đến một sự bảo vệ khá tốt cho bên có quyền – bên nhận bảo lãnh, đồng thời đặt bên bảo lãnh ở vị trí một “con nợ” gần như ngang hàng với “con nợ” chính.

1.2 Bảo lãnh liên đới trong BLDS 2015

Với định nghĩa được quy định tại Điều 335 BLDS 2015, luật Việt Nam ghi nhận sự liên đới về mặt nghĩa vụ giữa bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh.

Tính chất liên đới về nghĩa vụ giữa bên có nghĩa vụ và bên bảo lãnh trong quy định trên đã được thiết lập từ quy định của BLDS 2005. Câu hỏi đặt ra là: Ở góc độ kinh tế, tính chất liên đới này mang nhiều ưu việt hơn không so với tình trạng không liên đới như trong luật của Pháp? Để trả lời câu hỏi này cần quay trở lại với quy trình và tính thuận lợi hay các tiện ích mang lại trong quy trình thực hiện nghĩa vụ. Thử làm phép so sánh chúng ta sẽ nhìn thấy được vấn đề.

– Với loại hình bảo lãnh không liên đới giữa người bảo lãnh và người được bảo lãnh, thì người bảo lãnh đứng ở vị trí của một nghĩa vụ phụ. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ có thể yêu cầu người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ khi không thể yêu cầu người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ của mình. Nói cách khác, bên nhận bảo lãnh phải chứng minh được rằng, bên có nghĩa vụ không có tài sản để có thể thực hiện nghĩa vụ, khi đó mới yêu cầu được bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Tình trạng bảo lãnh này đặt ra thêm thủ tục trên thực tế (thủ tục chứng minh về tình trạng không có tài sản của bên được bảo lãnh) và như vậy, mặc dù nghiêng về hướng bảo vệ bên bảo lãnh (bằng cách xác định nghĩa vụ của bên này là nghĩa vụ phụ) nhưng tiến trình thực hiện sẽ kéo dài và tốn kém chi phí xã hội nhiều hơn so với bảo lãnh liên đới.

Trong khi đó, với bảo lãnh liên đới, tính chất cộng đồng trách nhiệm đặt ra yêu cầu là ngay từ đầu, bên bảo lãnh phải làm hết sức mình để giới hạn rủi ro, cụ thể là lựa chọn bên được bảo lãnh, yêu cầu được bảo đảm cho nghĩa vụ hoàn lại của bên được bảo lãnh… hoặc thậm chí là từ chối bảo lãnh trong trường hợp nhận thấy nhiều rủi ro.

Như vậy, dưới góc độ kinh tế, có thể thấy loại hình bảo lãnh liên đới trong luật Việt Nam có vẻ khá tiết kiệm thời gian trong quy trình tiến hành, từ đó tiết kiệm các chi phí xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, loại hình bảo lãnh này kéo theo một hệ quả khác là làm hạn chế về số lượng các giao dịch bảo lãnh được xác lập. Bởi lẽ, để làm người bảo lãnh, người thứ ba sẽ xem xét một cách rất thận trọng để có thể dự liệu được những rủi ro xảy ra trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nhưng không thể yêu cầu bên được bảo lãnh hoàn lại do bên này đang lâm vào tình trạng khánh kiệt.

2. Đặc điểm của biện pháp bảo lãnh theo Bộ luật Dân sự năm 2015 và theo pháp luật Pháp

Định nghĩa về bảo lãnh tại BLDS 2015 đặt ra một số vấn đề có thể nhìn nhận ở góc độ kinh tế và pháp lý sau:

Thứ nhất, nghĩa vụ bảo lãnh là nghĩa vụ của người thứ ba. Người thứ ba trong quan hệ bảo lãnh là người tình nguyện đứng ra cam kết sẽ thực hiện một nghĩa vụ thay cho một người khác (người được bảo lãnh), vì lợi ích của “người khác” này. Tuy nhiên, hiện tại, trong bối cảnh bắt đầu áp dụng BLDS 2015, không phải tất cả các trường hợp người thứ ba đứng ra cam kết thực hiện nghĩa vụ thay cho người khác đều là người bảo lãnh.

Có thể kể đến hai trường hợp điển hình: trường hợp thứ nhất là trường hợp ký quỹ tại ngân hàng. Trong quan hệ ký quỹ, theo quy định của khoản 2 Điều 330 BLDS 2015: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ”. Như vậy trong quan hệ ký quỹ, tổ chức tín dụng (là chủ thể thứ ba) sẽ đứng ra thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ nhưng không phải với tư cách người bảo lãnh mà là với tư cách của bên nhận ký quỹ.

Trường hợp thứ hai khá điển hình xuất hiện trong thực tiễn áp dụng các biện pháp bảo đảm, đó là thế chấp, cầm cố bằng tài sản của bên thứ ba. Cách thức xác lập biện pháp bảo đảm này gây nhiều tranh cãi trong giới áp dụng luật ở Việt Nam thời gian qua do tình trạng gây nhầm lẫn trong áp dụng giữa bảo lãnh và thế chấp, cầm cố bằng tài sản của người thứ ba. Tình trạng này đã dẫn đến thực tế là trong thời gian qua có khá nhiều các bản án của Tòa án tuyên vô hiệu đối với các hợp đồng thế chấp hay cầm cố tài sản của một người để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ của người khác (gọi ngắn gọn là thế chấp, cầm cố tài sản của người thứ ba)[6]. Tuy nhiên, có thể thấy rõ rằng giữa hai biện pháp bảo đảm này có sự khác biệt rất lớn ở kết quả áp dụng của biện pháp. Cụ thể là,biện pháp bảo lãnh tạo ra cho bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) quyền đối nhân (quyền yêu cầu người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ). Trong khi đó, thế chấp hay cầm cố tài sản của người thứ ba tạo ra cho bên nhận thế chấp hay cầm cố quyền đối vật, quyền được thiết lập trực tiếp trên tài sản thế chấp, cầm cố.

Cũng cần lưu ý rằng, ngay trong bối cảnh áp dụng BLDS 2005 và các quy định có liên quan của Luật Đất đai năm 2013, không có quy định bắt buộc bên thế chấp hay cầm cố phải là bên có nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp thế chấp, cầm cố. Do đó, về logic, việc thế chấp hay cầm cố bằng tài sản của người thứ ba là không vi phạm các quy định của pháp luật. Mặc dù vậy, sự xuất hiện của người thứ ba trong cơ chế bảo đảm cũng gây lúng túng trong việc áp dụng. Sự lúng túng này không chỉ có trong bối cảnh pháp lý của pháp luật Việt Nam mà còn trong pháp luật của quốc gia khác. Cụ thể, tại Pháp, biện pháp thế chấp hay cầm cố tài sản của người thứ ba được đặt tên là “Bảo đảm đối vật cho người thứ ba” hay “Bảo lãnh đối vật” và được xếp vào nhóm các biện pháp bảo đảm giao thoa giữa bảo đảm đối nhân và bảo đảm đối vật. Tuy nhiên, quan điểm áp dụng của các học giả Pháp thống nhất rằng, đây là biện pháp bảo đảm đối vật, hoàn toàn không phải là biện pháp bảo lãnh theo cách hiểu thông thường[7]. Cũng theo luật của Pháp, bảo lãnh đối vật hay thế chấp, cầm cố để bảo đảm cho nghĩa vụ của người khác sẽ tạo ra cho bên nhận thế chấp, cầm cố hai lựa chọn để yêu cầu thực hiện quyền của mình: một là, yêu cầu bên thứ ba thế chấp, cầm cố tài sản thực hiện nghĩa vụ thay (khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ); hai là,yêu cầu xử lý tài sản thế chấp, cầm cố để thực hiện nghĩa vụ với mình. Hai quyền này tạo ra sự khác biệt đặc thù với bảo lãnh hay thế chấp, cầm cố thông thường.

Thứ hai, nghĩa vụ bảo lãnh là nghĩa vụ phụ đặt ra bên cạnh nghĩa vụ chính là nghĩa vụ được bảo đảm bằng bảo lãnh. Không thể phủ định tính độc lập của nghĩa vụ bảo lãnh cũng như hợp đồng bảo lãnh trong mối quan hệ với nghĩa vụ được bảo lãnh bởi vì những khác biệt về chủ thể, đối tượng… của các quan hệ này. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một sự phụ thuộc nhất định của nghĩa vụ bảo lãnh đối với nghĩa vụ chính. Sự phụ thuộc này có thể lý giải bằng tình trạng là nếu không có nghĩa vụ được bảo lãnh (nghĩa vụ chính) thì không thể có nghĩa vụ bảo lãnh (nghĩa vụ phụ), dù rằng nếu không có nghĩa vụ bảo lãnh thì quan hệ nghĩa vụ chính vẫn có thể tồn tại một mình.

Tính chất chính – phụ này khá rõ ràng trong học thuyết pháp lý Pháp, các học giả Pháp cho rằng về nguyên tắc, tất cả các biện pháp bảo đảm đều có bản chất là một quan hệ nghĩa vụ phụ đặt ra bên cạnh nghĩa vụ chính là nghĩa vụ được bảo đảm[8]. Sự công nhận tính chất chính – phụ này lý giải cho những xử sự khá rõ ràng trong luật Pháp, có thể kể đến như minh chứng đó là hậu quả pháp lý của việc chấm dứt nghĩa vụ chính, nếu nghĩa vụ được bảo đảm chấm dứt (vì bị tuyên bố vô hiệu hay bị huỷ bỏ…) thì nghĩa vụ bảo đảm cũng phải chấm dứt theo.

Trong khi đó, theo quy định của pháp luật Việt Nam, về mối liên hệ giữa nghĩa vụ bảo lãnh và nghĩa vụ được bảo lãnh, không tồn tại quy định đặc thù mà quan hệ này được điều chỉnh chung như tất cả các trường hợp bảo đảm khác. Cụ thể, Điều 15 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (Nghị định số 163) quy định:

  1. Hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm bị vô hiệu mà các bên chưa thực hiện hợp đồng đó thì giao dịch bảo đảm chấm dứt; nếu đã thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm thì giao dịch bảo đảm không chấm dứt, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
  2. Giao dịch bảo đảm vô hiệu không làm chấm dứt hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
  3. Hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm bị huỷ bỏ hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện mà các bên chưa thực hiện hợp đồng đó thì giao dịch bảo đảm chấm dứt; nếu đã thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm thì giao dịch bảo đảm không chấm dứt, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
  4. Giao dịch bảo đảm bị huỷ bỏ hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện không làm chấm dứt hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thoả thuận khác”.

Điều 22 Thông tư số 07/2015/TT-NHNN ngày 25/6/2015 của Ngân hàng Nhà nước quy định về bảo lãnh ngân hàng tiếp tục khẳng định:

  1. Hợp đồng có nghĩa vụ được bảo lãnh bị vô hiệu mà các bên chưa thực hiện hợp đồng đó thì cam kết bảo lãnh chấm dứt; nếu đã thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng có nghĩa vụ được bảo lãnh thì cam kết bảo lãnh không chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  2. Hợp đồng có nghĩa vụ được bảo lãnh bị hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện mà các bên chưa thực hiện hợp đồng đó thì cam kết bảo lãnh chấm dứt; nếu đã thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng có nghĩa vụ được bảo lãnh thì cam kết bảo lãnh không chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  3. Trong trường hợp cam kết bảo lãnh không chấm dứt theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ tài chính để thanh toán nghĩa vụ hoàn trả của bên được bảo lãnh đối với mình”.

Các quy định này về nguyên tắc là không phù hợp, mang tính chất “thiên vị”. Bởi lẽ, một khi đứng ra cam kết bảo lãnh với tư cách là bên bảo lãnh, chủ thể này đã xác định nghĩa vụ của mình là sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh nếu đến hạn mà bên này không thực hiện hoặc không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Nói cách khác, nghĩa vụ của bên bảo lãnh có đối tượng là nghĩa vụ của bên được bảo lãnh. Có thể hình dung qua ví dụ sau đây:

Ngân hàng A cho doanh nghiệp B vay số tiền 5 tỷ đồng. Doanh nghiệp C bảo lãnh cho doanh nghiệp B. Trong quan hệ này, đối tượng của nghĩa vụ bảo lãnh của C là nghĩa vụ trả nợ vay của B (1 tỷ đồng). Nếu vì lý do nào đó hợp đồng vay bị tuyên bố vô hiệu sau khi ngân hàng A đã giải ngân cho doanh nghiệp B 500 triệu đồng, trong trường hợp này cùng với tuyên bố vô hiệu hợp đồng vay, Toà án sẽ xác định rằng doanh nghiệp B sẽ phải hoàn lại cho ngân hàng A số tiền 500 triệu đã giải ngân. Trong trường hợp doanh nghiệp B không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hoàn lại trên cơ sở phán quyết tuyên bố vô hiệu của Toà án thì ngân hàng A có quyền yêu cầu doanh nghiệp C thực hiện nghĩa vụ với tư cách là bên bảo lãnh trên cơ sở các quy định nêu trên. Như vậy, trên thực tế, mặc dù không có thoả thuận hay dự kiến trước về việc bảo lãnh cho nghĩa vụ hoàn lại khi hợp đồng vay bị tuyên bố vô hiệu (bên bảo lãnh chỉ bảo lãnh cho nghĩa vụ đến hạn mà bị vi phạm của bên được bảo lãnh), tuy nhiên, do sự cần thiết phải bảo vệ quyền lợi của bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) nên các cơ quan hành pháp của Việt Nam đã áp đặt nghĩa vụ này cho bên bảo lãnh. Tình trạng này gần như thiết lập sự “ngang hàng” giữa bên đi vay và bên bảo lãnh, gần như không có sự khác biệt ai là người mắc nợ chính và người chỉ đóng vai “con nợ dự bị” dưới mắt bên có quyền.

Sự “đồng hoá” về vai trò giữa người mắc nợ và người bảo lãnh làm cho lợi ích thu được từ việc cung cấp dịch vụ bảo lãnh của bên bảo lãnh bị giảm sút đáng kể. Tình trạng này là có thể hiểu được, bởi vì một khi cung cấp cam kết bảo lãnh, đặc biệt là với bảo lãnh ngân hàng, bên bảo lãnh phải được hưởng một lợi ích nhất định. Lợi ích này nếu so sánh với những rủi ro mà bên này phải gánh chịu nằm trong giới hạn “tối ưu”, tức vẫn có lợi thì sẽ khuyến khích bên bảo lãnh tiếp tục cung cấp dịch vụ này. Trong trường hợp ngược lại, khi rủi ro trong vai trò của bên bảo lãnh là phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh tăng lên, sẽ làm giảm động lực khuyến khích bên bảo lãnh đứng ra làm người bảo lãnh. Điều này sẽ làm hạn chế việc xác lập các giao dịch bảo lãnh, nói cách khác, làm hạn chế các giao dịch cần thiết có bảo đảm bằng bảo lãnh, cũng gián tiếp làm kém sôi nổi các giao dịch có liên quan trong hệ thống tín dụng. Từ đó gây tác động đến kinh tế – xã hội. Điều này cũng có nghĩa rằng, “nhận thức được tính kinh tế của việc bảo lãnh là rất quan trọng để thiết kế một hệ thống quy định thông minh trong việc giải quyết mối quan hệ giữa các bên chủ nợ, người mắc nợ và bên bảo lãnh, nhưng thậm chí còn quan trọng hơn để có thể tư vấn cho họ làm thế nào để cấu trúc các vấn đề tài chính của một cách hợp lý”[9].

Thực tiễn áp dụng các quy định về bảo lãnh trong lĩnh vực ngân hàng, xuất hiện một “kỹ thuật bảo lãnh” mà các ngân hàng gọi là “bảo lãnh vô điều kiện”. Đây là loại bảo lãnh mà việc thanh toán sẽ được thực hiện ngay khi ngân hàng nhận được yêu cầu đầu tiên bằng văn bản của người thụ hưởng thông báo rằng người được bảo lãnh đã vi phạm hợp đồng, xem yêu cầu này như một mệnh lệnh thanh toán đơn giản không đòi hỏi phải có chứng từ kèm theo. Loại bảo lãnh vô điều kiện này khá được ưa chuộng áp dụng trên thực tế bởi tính nhanh, đơn giản trong yêu cầu thực hiện nghĩa vụ. Sản phẩm này được hình thành từ, thứ nhất, khoản 1 Điều 335 BLDS 2015[10], quy định về việc cho phép bên nhận bảo lãnh được yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ ngay khi bên được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ; thứ hai, từ yêu cầu của thực tiễn xã hội về việc rút ngắn và đơn giản hoá các thủ tục có liên quan đến thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Bảo lãnh vô điều kiện tồn tại trong luật của Pháp cũng như của các quốc gia phát triển khác[11]. Tuy nhiên, điểm khác là cũng giống như luật của các nước khác, luật Pháp quy định về loại hình bảo lãnh vô điều kiện như một loại bảo lãnh chính thức ngay trong BLDS[12].

Chúng tôi cho rằng, với tư cách là quy định của luật chung (BLDS), các quy định của luật dân sự sẽ được áp dụng chung cho cả các bảo lãnh trong lĩnh vực ngân hàng và bảo lãnh trong đời sống dân sự. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 335 BLDS 2015 chỉ phù hợp với bảo lãnh ngân hàng. Do vậy, trong việc cân nhắc lợi ích kinh tế của việc áp dụng quy định, theo chúng tôi, việc thừa nhận tính “phụ” của nghĩa vụ bảo lãnh, tức đặt bên bảo lãnh ở vai trò là “con nợ dự bị” khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ là rất cần thiết. Chúng tôi cho rằng, giải pháp trong luật của Pháp khá trung lập, như tại Điều 2288 BLDS Pháp quy định: “Bên bảo lãnh cho một nghĩa vụ chịu trách nhiệm trước chủ nợ về việc thực hiện nghĩa vụ nếu bên mắc nợ không tự mình thực hiện nghĩa vụ”.

Việc xây dựng khái niệm mang tính khách quan, trung lập về bảo lãnh là sự cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi các hoạt động của ngân hàng đang tiềm ẩn những rủi ro cao, đồng thời việc nhìn nhận mang tính khách quan về bảo lãnh một lần nữa khẳng định sự bình đẳng về vị trí giữa các bên trong quan hệ bảo lãnh, thể hiện đầy đủ bản chất của quan hệ dân sự./.


[1]Avery Wiener Katz (1999), An economic analysis of the guaranty contract, The University of Chicago Law Review, p. 47.

[2] Khoản 1 Điều 284 BLDS 2015 quy định “Trường hợp các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định về điều kiện thực hiện nghĩa vụ thì khi điều kiện phát sinh, bên có nghĩa vụ phải thực hiện”

[3] https://www.legifrance.gouv.fr/affichCode.do?cidTexte=LEGITEXT000006070721.

[4] Cautionnement simple.

[5] Việc không thực hiện nghĩa vụ có thể vì không có khả năng thực hiện nghĩa vụ (khánh kiệt) nhưng cũng có thể do chủ thể này không muốn thực hiện nghĩa vụ.

[6] Nguyễn Quang Hương Trà, Thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác có phải là biện pháp bảo lãnh? Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/xay-dung-phap-luat.aspx? ItemID=266

[7] Marie- NoelleJOBARD-BACHELLIER, Manuella BOURASSIN, Vincent BREMOND, Droit des suretés, SIREY 2007, trang 571.

[8] http://fr.jurispedia.org/index.php/Principe_de_l’accessoire_en_droit_des_sûretés_(fr), Marie- NoelleJOBARD-BACHELLIER, Manuella BOURASSIN, Vincent BREMOND, tlđd, trang 21.

[9] Avery Wiener Katz, tlđd, trang 49.

[10] Quy định “Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.”, quy định này cho phép bên nhận bảo lãnh được đưa ra yêu cầu ngay khi bên có nghĩa vụ vi phạm và bên nhận bảo lãnh không có quyền yêu cầu cần phải chứng minh về việc bên có nghĩa vụ có không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.

[11] Trong Luật Thương mại Singapore có quy định “performance guarantees are unconditional undertakings by a third party to pay a beneficiary upon demand”

23.8.1 A performance guarantee or performance bond, like an irrevocable standby letter of credit, is in essence an unconditional undertaking by a third party to pay the beneficiary upon demand, independent and irrespective of the underlying contract between the beneficiary and the principal. The operative words of the performance guarantee would usually recite, for example, an obligation or undertaking to ‘pay on first demand without proof or conditions’. The issuer of the performance guarantee has primary liability, unlike a surety, who has collateral liability. Suretyship concepts, rights and defences are generally not applicable to performance guarantees. It is a question of construction whether a particular instrument is a performance guarantee or a true guarantee.” ( Chapter 23), có thể truy cập tại website “http://www.singaporelaw.sg/sglaw/laws-of-singapore/commercial-law/chapter-23#top”

[12] Bảo lãnh vô điều kiện được quy định tại Điều 2321 BLDS Pháp và được hướng dẫn bởi đạo Luật 23/3/2006 về bảo đảm nghĩa vụ- Ordonnance 23/3/2006.

127. Giao dịch bảo đảm nhìn từ quy định mới

TS. Bùi Đức Giang (Đại học Paris 2, Pháp)

Nguồn: Tạp chí Ngân hàng số 18/2017; đăng trên trang SBV ngày 17/11/2017

Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 (có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 – BLDS 2015) cùng với hàng loạt văn bản mới được ban hành trong thời gian qua đã thay đổi căn bản hành lang pháp lý về giao dịch bảo đảm. Bài viết tập trung phân tích một số quy định mới cũng như một số hạn chế hay khoảng trống trong các quy định này.

1. Có thể thế chấp quyền bề mặt?

Quyền bề mặt là một trong ba quyền khác đối với tài sản (khoản 2, Điều 159, BLDS 2015). Điều 267, BLDS 2015 định nghĩa “quyền bề mặt là quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác”. Khoản 1, Điều 271 của bộ luật này quy định thêm “chủ thể quyền bề mặt có quyền khai thác, sử dụng mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất thuộc quyền sử dụng đất của người khác để xây dựng công trình, trồng cây, canh tác […]”. Hai điều luật này chưa thực sự rõ ràng và dễ dẫn đến cách hiểu là chủ thể có quyền bề mặt mặc nhiên có cả quyền sử dụng đất1, trong khi theo quy định chung của các nền pháp luật công nhận chế định pháp lý này thì thông thường quyền bề mặt là quyền thuộc về một người không phải là chủ sở hữu một mảnh đất đối với những tài sản ở trên (chẳng hạn công trình xây dựng hay cây cối) hoặc ở dưới (chẳng hạn đường ngầm, tầng hầm hoặc bãi đậu xe) mảnh đất đó2.

Nhìn một cách tổng thể, quy định về quyền bề mặt của BLDS 2015 còn chưa thực sự rõ ràng và còn khá nhiều hạn chế hay khoảng trống.

Về nguyên tắc, theo quy định tại Điều 166 của Luật đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29 tháng 11 năm 2013 (Luật đất đai), người có quyền sử dụng đất được mặc nhiên coi là có quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất. Tuy nhiên, pháp luật đất đai hiện hành cũng đã công nhận trường hợp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất có thể thuộc về hai chủ thể khác nhau. Chẳng hạn, khoản 2, Điều 5, Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 5 năm 2014 quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận), được bổ sung, sửa đổi năm 2015 nêu rõ “trường hợp người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận được cấp riêng cho người sử dụng đất và cấp riêng cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất” và trong trường hợp này  “Giấy chứng nhận cấp cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất chỉ ghi thông tin về chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất […], tiếp theo ghi “Sở hữu tài sản trên thửa đất… (ghi hình thức thuê, mượn,…) của… (ghi tên tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cho thuê, cho mượn,…)”.

Điều 325 và 326 của BLDS 2015 cũng đề cập tới trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và trường hợp thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất.

Như vậy, các văn bản của pháp luật đất đai và chính BLDS 2015 cũng đã ít nhiều đề cập đến nội hàm của khái niệm quyền bề mặt. Tuy nhiên, BLDS 2015 dường như chưa giải quyết được mối liên hệ giữa các quy định này với phần quy định về quyền bề mặt trong chính văn bản này.

Thêm vào đó, Điều 269, BLDS 2015 quy định “quyền bề mặt có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”. Câu hỏi đặt ra là thời điểm đối kháng của quyền này với các bên thứ ba là khi nào và có cần thực hiện thêm thủ tục gì để xác lập hiệu lực đối kháng của quyền này với các bên thứ ba – là các bên có thể có lợi ích đối kháng với chủ thể có quyền bề mặt hoặc chủ nợ của chủ thể này? Rõ ràng, nếu ghi nhận đây là một quyền tài sản đối với bất động sản thì việc đăng ký để bảo đảm hiệu lực đối kháng là bắt buộc nhằm công khai tình trạng pháp lý của nó đối với các bên thứ ba nhất là để giải bài toán về quyền đối với loại tài sản đặc biệt này. Đây cũng là cách tiếp cận chung của các nước công nhận chế định quyền bề mặt.

Về điểm này, cần lưu ý khoản 1, Điều 106, BLDS 2015 quy định “quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản được đăng ký theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đăng ký tài sản”. Có lẽ, cần chờ đợi một quy định rõ ràng hơn về vấn đề này trong một văn bản luật về đăng ký tài sản.

Một vấn đề khác đặt ra là liệu có thể sử dụng quyền bề mặt làm tài sản bảo đảm hay không? Có vẻ phần quy định về quyền bề mặt trong BLDS 2015 coi quyền bề mặt là một loại quyền tài sản và có vẻ quyền bề mặt cũng đáp ứng được tiêu chí là quyền trị giá được bằng tiền nêu tại Điều 115, BLDS 2015. Nhưng liệu có thể xác lập được hợp đồng thế chấp quyền bề mặt hay không? Dường như khoản 3, Điều 271, BLDS 2015 chỉ công nhận cho chủ thể có quyền bề mặt được chuyển giao quyền bề mặt, được hiểu là chuyển giao về mặt pháp lý vì về bản chất một quyền là tài sản vô hình nên không thể chuyển giao về mặt vật lý. Tuy vậy, chuyển giao tài sản về mặt pháp lý theo tinh thần chung của BLDS 2015 lại mang nghĩa là việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản thông qua hợp đồng mua bán (chuyển nhượng), trao đổi, tặng cho, cho vay, hợp đồng chuyển quyền sở hữu khác hoặc thông qua việc để thừa kế (chẳng hạn Điều 238, Điều 365 và các điều tiếp theo). Do đó, thế chấp không phải là một hình thức chuyển giao vì không kéo theo việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho bên nhận thế chấp. Nói cách khác, dường như BLDS 2015 không cho phép thế chấp quyền bề mặt.

Khoản 2, Điều 271, BLDS 2015 quy định “chủ thể quyền bề mặt có quyền sở hữu đối với tài sản được tạo lập […]”. Như vậy, chủ thể có quyền bề mặt có thể thế chấp tài sản được tạo lập khi thực hiện quyền bề mặt dù là tài sản hiện có hay tài sản hình thành trong tương lai. Điều này cũng không thực sự xa lạ đối với thực tế cấp tín dụng có bảo đảm tại Việt Nam.

2. Điều khoản cấm xác lập bảo đảm

Trong thực tế, tài trợ thương mại, hợp đồng bảo đảm thường có quy định cấm bên bảo đảm không được sử dụng tài sản bảo đảm là đối tượng của hợp đồng bảo đảm để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ khác (điều khoản negative pledge hay negative undertaking). Nếu sau đó, bên bảo đảm vi phạm nghĩa vụ này thì hợp đồng bảo đảm ký với các tổ chức tín dụng khác (TCTD) có bị vô hiệu hay không?

Trong trường hợp tài sản liên quan là quyền đòi nợ, theo điểm b, khoản 1, Điều 365, BLDS 2015, nếu giữa bên có quyền đòi nợ và bên có nghĩa vụ trả nợ đã thỏa thuận trong hợp đồng phát sinh quyền đòi nợ về việc cấm chuyển giao quyền đòi nợ thì thỏa thuận này có giá trị pháp lý và hệ quả là nếu bên có quyền đòi nợ mà cố tình chuyển giao quyền đòi nợ (chẳng hạn thông qua việc bán nợ thương mại hay bao thanh toán) thì các hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ này sẽ vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật theo tinh thần của Điều 123, BLDS 2015. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, do thế chấp không được coi là chuyển giao vì không kéo theo việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản nên cũng khó có tháp dụng điều luật này.

Khoản 1, Điều 296, BLDS 2015 quy định “một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Cần hiểu “thỏa thuận khác” ở đây là thỏa thuận về giá trị của tài sản bảo đảm (tức là thỏa thuận về việc tài sản vẫn được dùng để bảo đảm nhiều khoản vay ngay cả khi giá trị của nó không lớn hơn tổng giá trị của các khoản vay này) hay thỏa thuận cấm dùng một tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ? Dường như cách hiểu thứ nhất phù hợp hơn.

Thiết nghĩ, pháp luật về giao dịch bảo đảm nên công nhận giá trị pháp lý của điều khoản cấm xác lập bảo đảm với điều kiện là điều khoản này phải được công khai thông qua việc đăng ký để các bên nhận bảo đảm về sau biết được sự hạn chế này. Đây cũng là cách tiếp cận của một số nền pháp luật tiên tiến như pháp luật Anh. Điều này dung hòa được lợi ích của các bên liên quan bởi vì một mặt, nó tôn trọng nguyên tắc tự do thỏa thuận nêu tại khoản 2, Điều 3, BLDS 2015 vốn là một nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Mặt khác, do về nguyên tắc hợp đồng chỉ ràng buộc các bên giao kết (khoản 2, Điều 401, BLDS 2015), nên điều khoản cấm trong hợp đồng giữa bên bảo đảm và TCTD nhận thế chấp trước sẽ không có tính đối kháng với các TCTD nhận thế chấp về sau nếu như các TCTD này không biết được sự tồn tại của nó.

3. Thu hồi đất thế chấp

Khi nhận thế chấp quyền sử dụng đất, TCTD có thể gặp rủi ro trong trường hợp diện tích đất liên quan bị thu hồi.

Theo quy định tại Điều 43a, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Nghị định 43), nếu đất mà quyền sử dụng đất đang thế chấp mà bị Nhà nước thu hồi, thì hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất sẽ mặc nhiên chấm dứt. Lúc này, TCTD chỉ có thể trông đợi vào số tiền Nhà nước bồi thường cho bên thế chấp nếu hợp đồng thế chấp có quy định về việc TCTD được nhận số tiền bồi thường này. Tuy nhiên, không phải lúc nào bên có đất bị thu hồi cũng (i) được bồi thường hay (ii) được bồi thường bằng tiền. Về điểm này, Nghị định 43 vẫn thiếu vắng một quy định theo hướng trường hợp bên thế chấp được bồi thường bằng nhà ở, đất ở tái định cư thì nhà ở, đất ở tái định cư được dùng thay thế tài sản thế chấp bị Nhà nước thu hồi.

Liên quan đến việc xử lý thế tài sản gắn liền với đất, khoản 3, Điều 81, Nghị định 43 quy định “trường hợp người sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm đã thế chấp […] bằng tài sản gắn liền với đất […] nếu không thực hiện được nghĩa vụ với bên nhận thế chấp […] thì Nhà nước thu hồi đất của bên thế chấp […] bằng tài sản gắn liền với đất thuê hàng năm để cho người mua tài sản, người nhận chính tài sản bảo đảm thuê đất, trừ trường hợp có sự thỏa thuận khác. Người mua tài sản, người nhận chính tài sản bảo đảm tự thỏa thuận với bên thế chấp […] bằng tài sản gắn liền với đất thuê hàng năm về việc chi trả chi phí đầu tư vào đất còn lại đến thời điểm thu hồi đất. Trường hợp không tự thỏa thuận được thì các bên có liên quan có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật. Người mua tài sản, người nhận chính tài sản bảo đảm được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất trong thời hạn sử dụng đất còn lại theo giá đất cụ thể và phải sử dụng đất đúng mục đích đã được xác định. Trường hợp có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất thì phải thực hiện thủ tục theo quy định […].

Như vậy, điều luật này đã chính thức đưa thủ tục thu hồi đất vào trong quy trình xử lý thế chấp tài sản gắn liền với đất. Xét trên phương diện thực tiễn, đây là một “bước đệm” hợp lý bởi trước khi tiếp tục cho bên mua tài sản hay TCTD thuê đất thì Nhà nước phải nắm trong tay diện tích đất này. Tuy nhiên, nếu đối chiếu với các quy định về thu hồi đất trong Luật đất đai thì điều dễ thấy là không có căn cứ thu hồi đất này. Thiết nghĩ, trường hợp thu hồi đất này cần được luật hóa để tạo cơ sở pháp lý vững chắc hơn cho việc thực thi.

Cũng cần lưu ý là điều luật này cũng cho phép bên thuê đất mới được chuyển mục đích sử dụng đất. Giải pháp này, ít nhiều mang tính linh hoạt bởi không phải lúc nào bên này cũng mong muốn sử dụng đất theo mục đích đã được xác định khi bên thế chấp thuê đất từ Nhà nước.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 3, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, được bổ sung sửa đổi năm 2017, “chi phí đầu tư vào đất còn lại là các chi phí mà người sử dụng đất đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất nhưng đến thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất còn chưa thu hồi hết. Chi phí đầu tư vào đất còn lại gồm toàn bộ hoặc một phần của các khoản chi phí sau: (i) Chi phí san lấp mặt bằng; (ii) Chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp; (iii) Chi phí gia cố khả năng chịu lực chống rung, sụt lún đất đối với đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh; (iv) Chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất”.

4. Bán khoản vay được bảo đảm

Điểm d, khoản 2, Điều 174, Luật đất đai quy định tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hay cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần được thế chấp quyền sử dụng đất tại các TCTD được phép hoạt động tại Việt Nam. Trong thực tế, quy định này có thể dẫn đến cách hiểu là bên nhận thế chấp luôn luôn phải là TCTD, tức là ngay cả khi khoản vay được bảo đảm bằng quyền sử dụng đất được bán cho một tổ chức khác thì tổ chức này phải là một TCTD thì mới có thể tiếp tục được hưởng biện pháp thế chấp đã được xác lập. Nói cách khác, những tổ chức như VAMC hay doanh nghiệp không phải là TCTD có thể sẽ vướng cản trở pháp lý này khi mua nợ…

Tuy vậy, nhìn một cách tổng thể, đây là một quy định khá tiến bộ bởi vì nó sẽ giúp tháo gỡ vướng mắc nêu trên do khái niệm “tổ chức” ở đây mang nghĩa rộng không chỉ bao gồm TCTD, mà còn cả VAMC hay các doanh nghiệp khác không phải là TCTD. Chỉ có điều trong thực tế, sau khi mua một khoản vay, bên mua thường muốn và có thể đàm phán được với bên vay về việc bổ sung tài sản bảo đảm. Điều còn khá tiếc nuối là Nghị định 43 chưa mở rộng ngoại lệ cho phép bên này nhận bổ sung thế chấp quyền sử dụng đất trong trường hợp này. Một cách tiếp cận như thế sẽ góp phần khơi thông thị trường mua bán nợ.

_________________

1 Do Điều 53, Hiến pháp năm 2013 quy định đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nên cá nhân hay thể nhân chỉ có quyền sử dụng đất, chứ không có quyền sở hữu đất đai.

2 Chẳng hạn, theo Điều 1 của Luật ngày 10 tháng 1 năm 1824 của Bỉ về quyền bề mặt, được sửa đổi năm 2014,  “quyền bề mặt là quyền đối với tài sản nhằm có các tòa nhà, công trình hay cây cối, toàn bộ hay một phần, trên, phần trên hay phần dưới của mảnh đất của người khác”.

125. Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

Vnbankinglaw tập hợp một số bài viết về Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để bạn đọc dễ dang nghiên cứu, tìm hiểu về NQ này.

Những nội dung cơ bản của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

Nguồn: Đoàn Thái Sơn, SBV, 30/6/2014

Để khắc phục các khó khăn, vướng mắc, bất cập về pháp lý đã nảy sinh trong quá trình xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Công ty quản lý nợ của các tổ chức tín dụng Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật, soạn thảo trình Chính phủ, Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Ngày 21 tháng 6 năm 2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng1. Nghị quyết sẽ có hiệu lực trong 05 năm từ ngày 15/8/2017. Nghị quyết này đã cho phép áp dụng nhiều chính sách mới (so với pháp luật hiện hành) về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, góp phần tạo lập cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán nợ xấu. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu những nội dung cơ bản của Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42/2017/QH14).

1. Về phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết

Về phạm vi điều chỉnh, Nghị quyết 42/2017/QH14 quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (VAMC). Nghị quyết 42/2017/QH14 cũng cho phép áp dụng các quy định tại Nghị quyết để xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của ngân hàng chính sách2.

Đồng thời, để xác định rõ phạm vi điều chỉnh, Nghị quyết 42/2017/QH14 đã quy định cụ thể tiêu chí, phạm vi, cách thức xác định một khoản nợ là nợ xấu được áp dụng các chính sách quy định tại Nghị quyết, cụ thể:

1.1. Về xác định nợ xấu

Nghị quyết đã ban hành 01 Phụ lục để quy định chi tiết cách thức xác định một khoản nợ là nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết. Theo đó, khoản nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết là: (i) Khoản nợ đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và được xác định là nợ xấu theo quy định tại Phụ lục về xác định nợ xấu ban hành kèm theo Nghị quyết, khoản nợ xấu mà VAMC đã mua của TCTD; (ii) Khoản nợ xấu phát sinh từ 09 hoạt động sau: Cho vay, Cho thuê tài chính, Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá, Bao thanh toán, Cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng, Trả thay theo cam kết ngoại bảng, Ủy thác cấp tín dụng, Hoạt động mua bán nợ, Hoạt đông mua, ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch các công ty đại chúng chưa niêm yết; (iii) Được xác định là nợ nhóm 3, 4, 5 theo phương pháp định lượng hoặc phương pháp định tính.

Đồng thời, Nghị quyết 42/2017/QH14 cũng quy định giao quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi Phụ lục về xác định nợ xấu theo đề nghị của Chính phủ khi cần thiết và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

1.2. Về phạm vi nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết

Nghị quyết 42/2017/QH14 quy định rõ nợ xấu được áp dụng các quy định tại Nghị quyết bao gồm: (i) Khoản nợ được hình thành trước ngày 15/08/2017 và được xác định là nợ xấu trước thời gian Nghị quyết có hiệu lực; (ii) Khoản nợ được hình thành trước ngày 15/08/2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực.

Đồng thời, Nghị quyết 42/2017/QH14 cũng quy định rõ TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản khoản nợ là nợ xấu khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo Nghị quyết.

2. Về nguyên tắc xử lý nợ xấu

Để bảo đảm rõ quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, Nghị quyết 42/2017/QH14 quy định khi xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu phải bảo đảm 04 nguyên tắc sau: Một là bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; Hai là phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; Ba là không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu; Bốn là cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

3. Về bán nợ xấu, tài sản bảo đảm thấp hơn giá trị khoản nợ

Để tháo gỡ vướng mắc, e ngại bị xử lý về trách nhiệm khi bán nợ xấu, tài sản bảo đảm, Nghị quyết 42/2017/QH14 có quy định cho phép TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC được bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật, giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ. Quy định này nhằm khẳng định rõ ràng hơn quyền của người bán được quyền bán nợ xấu, tài sản bảo đảm theo đúng quy định pháp luật, kể cả việc bán thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ.

4. Về mua, bán nợ xấu của VAMC

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của VAMC, tạo điều kiện cho VAMC triển khai hiệu quả các hoạt động mua bán nợ theo giá thị trường, Nghị quyết 42/2017/QH14 đã cho phép VAMC thực hiện các hoạt động mua bán nợ sau:

Thứ nhất, mở rộng các khoản nợ được mua bán của VAMC. Hiện tại, VAMC chỉ được mua nợ xấu hạch toán trong bảng. Quy định này hạn chế đối tượng các khoản nợ xấu được mua bán theo giá thị trường. Do vậy, bên cạnh việc mua bán các khoản nợ nội bảng, Nghị quyết 42/2017/QH14 cho phép VAMC được mua các khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro đang hạch toán ngoài bảng và chuyển đổi các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá trị thị trường. Các quy định nà y sẽ hỗ trợ: (i) Cải thiện chất lượng một cách bền vững hơn tài sản của TCTD; (ii) TCTD bán nợ theo giá trị thị trường thu được nợ bằng tiền mặt để phục vụ cho việc mở rộng đầu tư, tín dụng mới; giải phóng vốn bị đọng trong các khoản nợ xấu, giảm chi phí cơ hội và cải thiện khả năng sinh lời của TCTD; (iii) TCTD giảm được số nợ xấu bán cho VAMC bằng trái phiếu đặc biệt để xử lý dứt điểm nợ xấu và cải thiện chất lượng tài sản của TCTD; (iv) Khi bán được các khoản nợ xấu đang hạch toán ngoài bảng, các TCTD sẽ có thêm thu nhập bất thường và nâng cao khả năng: trích lập dự phòng rủi ro đối với tổn thất do chuyển các khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá trị thị trường và trích lập dự phòng cho việc xử lý các khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng, tạo động lực khuyến khích các TCTD bán nợ xấu theo giá trị thị trường.

Đồng thời, việc cho phép chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua bán theo giá trị thị trường sẽ giúp tạo lập thị trường mua bán nợ theo giá thị trường, bảo đảm nguyên tắc thị trường trong xử lý nợ xấu.

Thứ hai, bổ sung đối tượng được bán nợ. Nghị quyết 42/2017/QH14 đã bổ sung quy định cho phép VAMC được bán nợ xấu cho các tổ chức, cá nhân bao gồm cả pháp nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.

Quy định này của Nghị quyết 42/2017/QH14 khắc phục bất cập giới hạn chủ thể được mua nợ của VAMC tại Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất,kinh doanh tại doanh nghiệp3 và bảo đảm quyền bình đẳng trong hoạt động xử lý nợ của VAMC như các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, góp phần tạo lập, phát triển thị trường mua bán nợ.

Thứ ba, bổ sung thêm phương thức mua bán nợ theo giá thị trường của VAMC. Để tạo điều kiện cho VAMC thực hiện mua bán nợ theo giá thị trường với TCTD, Nghị quyết 42/2017QH14 đã có quy định cho phép VAMC được thỏa thuận với TCTD Việt Nam: (i) Mua khoản nợ xấu với giá mua bằng giá trị định giá của tổ chức định giá độc lập; (ii) Xử lý, bán, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật và phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu này sau khi trừ giá mua và các chi phí xử lý. Đồng thời, để bảo đảm quyền lợi của các bên, Nghị quyết 42/2017/QH14 cũng yêu cầu khi thực hiện mua bán nợ theo phương thức này, VAMC phải thống nhất với TCTD lựa chọn tổ chức định giá độc lập.

5. Về quyền thu giữ tài sản bảo đảm

5.1. Về điều kiện thu giữ tài sản bảo đảm: Để giải quyết khó khăn, vướng mắc của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm liên quan đến việc giao tài sản bảo đảm để xử lý, tạo điều kiện cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết của Quốc hội, tránh trường hợp chủ tài sản cố tình chây ỳ, chống đối kéo dài thời gian xử lý, gây ảnh hưởng lớn đến việc xử lý nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đa số người gửi tiền, nâng cao kỷ luật hợp đồng, đồng thời, hạn chế việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC lạm dụng quyền thực hiện hành vi thu giữ gây mất trật tự xã hội, xâm phạm đến các quyền khác của các chủ thể có liên quan, Nghị quyết 42/2017/QH14 cho phép TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC được thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm khi có đầy đủ 05 điều kiện sau:

Thứ nhất, Khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 299 Bộ luật dân sự 2015. Theo Điều 299 Bộ luật dân sự, quyền xử lý tài sản bảo đảm phát sinh trong các trường hợp sau: (i) Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; (ii) Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật; và (iii) Trường hợp khác theo thỏa thuận hoặc luật có quy định.

Thứ hai, tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật. Quy định này bảo đảm việc thu giữ tài sản bảo đảm được thực hiện khi có sự thỏa thuận trước của các bên. Đồng thời, Nghị quyết 42/2017/QH14 cũng quy định ”hợp đồng bảo đảm” theo Nghị quyết bao gồm cả văn bản khác ghi nhận thỏa thuận giữa các bên.

Thứ ba, giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm đã đăng ký theo quy định pháp luật. Quy định này bảo đảm quyền của bên nhận bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ 3.

Thứ tư, tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC đã hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin theo quy định tại Nghị quyết.

5.2. Về việc công khai thông tin

Nghị quyết 42/2017/QH14 cũng quy định cụ thể TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC phải thực hiện công khai thông tin trước khi thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm như sau:

Thứ nhất, đối với tài sản bảo đảm là bất động sản. Nghị quyết 42/2017/QH14 quy định chậm nhất 15 ngày trước ngày thu giữ, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC phải: (i) Đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của mình; (ii) Gửi văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan Công an nơi có tài sản bảo đảm; (iii) Niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bên bảo đảm đăng ký địa chỉ theo hợp đồng bảo đảm và trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản bảo đảm; (iv) Thông báo cho bên bảo đảm bằng văn bản theo đường bưu điện có bảo đảm đến địa chỉ của bên bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm hoặc gửi trực tiếp cho bên bảo đảm.

Thứ hai, đối với tài sản bảo đảm là động sản. Việc công khai thông tin được tiến hành theo phương thức: (i) Đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của mình và thông báo về việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bên bảo đảm đăng ký địa chỉ theo hợp đồng bảo đảm trước khi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm; (ii) Thông báo cho bên bảo đảm bằng văn bản trước thời điểm thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm bằng cách gửi theo đường bưu điện có bảo đảm đến địa chỉ của bên bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm hoặc gửi trực tiếp cho bên bảo đảm.

5.3. Về thực hiện thu giữ

Về ủy quyền thu giữ, để kiểm soát chặt chẽ việc thu giữ, Nghị quyết 42/2017/QH14 quy định rõ việc ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm được thực hiện như sau: (i) TCTD chỉ được ủy quyền việc thu giữ tài sản bảo đảm cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc TCTD; (ii) VAMC chỉ được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho TCTD bán nợ, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc TCTD bán nợ.

Đồng thời, Nghị quyết 42/2017/QH14 cũng quy định rõ TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC, tổ chức được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm.

Về trách nhiệm của cơ quan nhà nước, Nghị quyết 42/2017/QH14 quy định: (i) Chính quyền địa phương các cấp và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm theo đề nghị của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC; (ii) Trường hợp bên bảo đảm không hợp tác hoặc không có mặt theo thông báo của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm tham gia chứng kiến và ký biên bản thu giữ tài sản bảo đảm; (iii) Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan Công an các cấp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự khi TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm.

6. Về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ tại Tòa án

Để rút ngắn quá trình giải quyết tranh chấp qua Tòa án4, tăng hiệu quả hoạt động xử lý tài sản bảo đảm qua tòa án, Nghị quyết 42/2017/QH14 cho phép Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm.

Về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn, Nghị quyết 24/2017/QH14 quy định thủ tục rút gọn sẽ được áp dụng khi có đầy đủ các điều kiện sau: (i) Trong hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cho bên nhận bảo đảm hoặc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC có quyền xử lý tài sản bảo đảm; (ii) Giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm đã đăng ký theo quy định của pháp luật; (iii) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự giải trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.

7. Về mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất

Để khắc phục bất cập của Luật Đất đai5, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho việc mua bán các khoản nợ có nguồn gốc từ hoạt động cấp tín dụng, tạo điều kiện thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển, Nghị quyết số 42/2017/QH14 quy định: Thứ nhất, bên mua khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đó là quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất hoặc tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai được: (i) Quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua; (ii) Kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp. Thứ hai, VAMC được đăng ký thế chấp khi nhận bổ sung tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của khoản nợ đã mua.

Đồng thời, Nghị quyết 42/2017/QH14 giao Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất là tài sản bảo đảm của khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

8. Về xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản

Để khắc phục bất cập trong quy định tại Điều 49 Luật kinh doanh bất động sản về điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản không phù hợp với việc xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản, tạo cơ sở pháp lý cho bên nhận thế chấp xử lý được tài sản bảo đảm là các dự án bất động sản, Nghị quyết 42/2017/QH14 cho phép TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC được chuyển nhượng tài sản bảo đảm là dự án bất động khi có đầy đủ các điều kiện sau đây: (i) Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; (ii) Có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (iii) Dự án không có tranh chấp đã được thụ lý chưa giải quyết hoặc đang giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền về quyền sử dụng đất; không đang bị kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (iv) Không có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đồng thời, để bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan (bao gồm cả người mua nhà tại dự án nhà ở), Nghị quyết 42/2017/QH14 quy định bên nhận chuyển nhượng dự án phải: (i) Đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản; (ii) Kế thừa các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án và tiến hành các thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng.

9. Về kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án

Việc cho phép chấp hành viên kê biên cả tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án đang thế chấp, cầm cố tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để đảm bảo cho khoản vay theo Luật thi hành án dân sự ảnh hưởng lớn đến quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, gia tăng nợ xấu của hệ thống TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đặc biệt trong trường hợp tài sản bảo đảm là tài sản hình thành từ vốn vay hoặc là nguồn thu nhập chính để trả nợ. Để khắc phục bất cập trên, Nghị quyết 42/2017/QH14 quy định tài sản bảo đảm của người phải thi hành án đang bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định tại Điều 90 Luật thi hành án dân sự, trừ 02 trường hợp: (i) Thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ; và (ii) Có sự đồng ý bằng văn bản của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC.

10. Về bán nợ xấu có tài sản bảo đảm đang bị kê biên

Để xử lý nợ xấu của các TCTD, đặc biệt là các TCTD yếu kém hiệu quả hơn, Nghị quyết 42/2017/QH14 đã có quy định cho phép TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyền bán nợ xấu mà khoản nợ xấu đó có có tài sản bảo đảm đang bị kê biên cho VAMC, doanh nghiệp có chức năng kinh doanh mua, bán nợ. Đồng thời, để bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan, Nghị quyết quy định rõ TCTD có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin về tình trạng bị kê biên của tài sản bảo đảm trước khi thực hiện mua, bán khoản nợ xấu; bên mua tự xác định rủi ro đối với việc mua khoản nợ này. Việc bán tài sản bảo đảm đang bị kê biên này thực hiện theo quy định của pháp luật.

11. Về hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng

Để khắc phục tình trạng không có quy định của pháp luật về hoàn trả tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm sau khi cơ quan tiến hành tố tụng hoàn tất quy trình xác định chứng cứ liên quan đến tài sản bảo đảm trong các vụ án hình sự, bảo đảm quyền chủ nợ có bảo đảm hợp pháp của bên nhận bảo đảm, Nghị quyết 42/2017/QH14 đã có quy định cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo đề nghị của bên nhận bảo đảm là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, sau khi hoàn tất các thủ tục xác định chứng cứ và xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án.

12. Về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm

Việc phải nộp các khoản thuế trước khi thực hiện nghĩa vụ ưu tiên thanh toán cho bên nhận bảo đảm là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã làm giảm số tiền thu hồi nợ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhiều trường hợp số tiền bán tài sản bảo đảm không đủ thu hồi nợ cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhưng vẫn phải nộp thuế, gây khó khăn cho cả bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm và ảnh hưởng lớn đến quyền lợi chủ nợ có bảo đảm của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Do đó, nhằm đảm bảo tạo điều kiện để TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể thu hồi được khoản nợ xấu từ xử lý tài sản bảo đảm, qua đó giảm thiểu nợ xấu cho nền kinh tế, Nghị quyết 42/2017/QH14 quy định số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm.

Đồng thời, Nghị quyết cung quy định trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật.

13. Về chuyển nhượng tài sản bảo đảm

Để khắc phục tình trạng các cơ quan thuế yêu cầu bên nhận bảo đảm trích số tiền thu được từ việc bán tài sản bảo đảm để thanh toán nghĩa vụ nợ thuế khác của bên bảo đảm thì mới làm thủ tục xác nhận hoàn thành nghĩa vụ tài chính khi làm thủ tục sang tên tài sản bảo đảm cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của bên nhận bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm, Nghị quyết số 42/2017/QH14 quy định bên nhận bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng không phải thực hiện các nghĩa vụ thuế, phí khác của bên bảo đảm từ số tiền chuyển nhượng tài sản bảo đảm khi thực hiện thủ tục đăng ký, thay đổi quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm.

14. Về phân bổ lãi dự thu, chênh lệch khi bán khoản nợ xấu của TCTD, tổ chức mua bán và xử lý nợ xấu

Để tránh ảnh hưởng xấu đến tình hình tài chính của TCTD do việc thoái lãi dự thu, phân bổ ngay chênh lệch giữa giá trị khoản nợ và giá bán nợ, đồng thời để hỗ trợ TCTD, VAMC có thêm nguồn lực tài chính cho hoạt động kinh doanh, Nghị quyết 42/2017/QH14 cho phép TCTD được phân bổ dần số lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu chưa thoái theo quy định, chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của khoản nợ đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán với giá bán nợ xấu và số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập vào kết quả hoạt động kinh doanh hàng năm theo các nguyên tắc sau: (i) Mức phân bổ hằng năm tối thiểu là mức chênh lệch thu chi từ kết quả hoạt động kinh doanh hằng năm của TCTD; (ii) Thời hạn phân bổ lãi dự thu tối đa không quá 10 năm. Riêng đối với lãi dự thu phải thoái của các khoản nợ bán cho tổ chức mua bán và xử lý nợ xấu, thời gian phân bổ lãi dự thu tối đa không vượt quá thời hạn còn lại của trái phiếu của VAMC; Thời hạn phân bổ chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của khoản nợ đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán với giá bán nợ xấu và số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập tối đa không quá 05 năm; (iii) Số lãi dự thu được phân bổ dần theo Nghị quyết là số lãi dự thu đã ghi đến hết ngày 31/12/2016.

Nghị quyết 42/2017/QH14 cũng cho phép VAMC được phân bổ chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của khoản nợ đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán với giá bán khoản nợ xấu đã mua theo giá trị thị trường và số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập vào kết quả hoạt động kinh doanh hàng năm với mức phân bổ tối thiểu là chênh lệch thu chi.

15. Về áp dụng pháp luật

Để đảm bảo việc áp dụng các quy định tại Nghị quyết phù hợp với nguyên tắc, mục tiêu, quan điểm xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật cho phép thí điểm áp dụng chính sách mới, Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã quy định việc áp dụng pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm được thực hiện như sau: Thứ nhất, việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC được áp dụng theo quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14. Trường hợp Nghị quyết không có quy định thì áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành. Thứ hai, trường hợp có quy định khác nhau giữa Nghị quyết 42/2017/QH14 và luật khác về cùng một vấn đề về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC thì áp dụng quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14.

16. Về quy định chuyển tiếp

Để đảm bảo có cơ chế xử lý chuyển tiếp cho các trường hợp xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm sau khi Nghị quyết này hết hiệu lực thi hành, Nghị quyết 42/2017/QH14 về chuyển tiếp đối với một số trường hợp sau đây: (i) Thỏa thuận giữa VAMC với TCTD quy định tại khoản 3 Điều 6 của Nghị quyết 42/2017/QH14 đã có hiệu lực trong thời hạn Nghị quyết có hiệu lực được tiếp tục thực hiện cho đến khi hết thời hạn của thỏa thuận đó; (ii) TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC được tiếp tục thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 7 của Nghị quyết 42/2017/QH14 trong trường hợp đã thực hiện việc công khai thông tin theo quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 7 của Nghị quyết trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực; (iii) Tòa án tiếp tục áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 8 của Nghị quyết 42/2017/QH14 đối với vụ án đã được thụ lý trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực.

Ngoài ra, Nghị quyết 42/2017/QH14 cũng quy định trách nhiệm Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chính quyền địa phương các cấp trong việc giám sát, tổ chức thực hiện và hướng dẫn thi hành Nghị quyết./.

———————————

1 Nghị quyết được 424/467 đại biểu có mặt biểu quyết đồng ý thông qua (tỷ lệ nhất trí thông qua là 86,35% trên tổng số đại biểu Quốc hội).

2 Bao gồm Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

3 Khoản 2 Điều 26 Luật số 69/2014/QH13 quy định đối với doanh nghiệp nhà nước “Doanh nghiệp được quyền bán nợ phải thu quá hạn, nợ phải thu khó đòi, nợ phải thu không có khả năng thu hồi. Doanh nghiệp chỉ được bán nợ cho tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh mua bán nợ, không được bán trực tiếp cho đối tượng nợ…”

4 Theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015, thời gian thực hiện thủ tục giải quyết vụ án dân sự theo trình tự thủ tục tố tụng rút gọn sẽ được rút ngắn hơn trình tự thông thường từ khoảng từ 03 tháng đến 07 tháng.

5 Điều 174, 175, 176 Luật Đất đai chỉ cho phép TCTD hoạt động tại Việt Nam được nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất


Nợ xấu nhìn từ góc độ quản trị

TS. Trần Thị Quế Giang, Khoa Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam

Nguồn: TBKTSG 2/7/2017

(TBKTSG) – Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) vừa được Quốc hội thông qua và các thảo luận xung quanh nó chủ yếu tập trung xử lý vấn đề từ góc nhìn kỹ thuật ở cấp độ ngân hàng thương mại (NHTM) mà quên mất rằng căn nguyên nợ xấu ở Việt Nam xuất phát trước hết từ chính những yếu kém, bất cập về quản trị ở cấp độ hệ thống.

Nghị quyết trên có thời hạn thực hiện năm năm, kể từ ngày 15-8-2017 (thời điểm nghị quyết bắt đầu có hiệu lực cũng là thời điểm chốt sổ các khoản nợ xấu được xử lý theo quy định ở nghị quyết đặc biệt này).

Không thể không đối diện sự thật

Thời điểm 15-8-2017 được chốt trong nghị quyết có thể vẫn còn gây tranh luận nhưng việc xác định một điểm mốc thời gian đối với các món nợ xấu thuộc diện xử lý đặc biệt là cần thiết. Dẫu nợ xấu nào cũng là nợ xấu và không có ngân hàng nào không có nợ xấu, nhưng vấn đề cần quan tâm là mức độ và tốc độ gia tăng nợ xấu, cũng như nguồn gốc nợ xấu cần được nhận diện rõ ràng và có biện pháp can thiệp kịp thời. Xử lý nợ xấu không phải chỉ ở việc đối phó với số nợ xấu tích lũy cho đến thời điểm hiện tại, mà quan trọng hơn là hình thành chính sách quản trị, xử lý nợ xấu hiệu quả trong tương lai bằng cách “phát tín hiệu” một cách nhất quán về chế tài nghiêm minh đối với các cá nhân, tổ chức liên quan tới thị trường tài chính.

Đây có thể coi là cơ hội để đội ngũ lãnh đạo mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) làm rõ thực trạng nợ xấu, xác định rõ nguyên do lịch sử của số nợ xấu này và xử lý một cách triệt để, thay vì né tránh trách nhiệm, thậm chí hỗ trợ các TCTD che giấu nợ dẫn đến tình trạng nợ xấu càng lúc càng thiếu minh bạch, ngày một tăng thêm theo cơ chế Ponzi (một dạng đa cấp lừa đảo, lấy của người sau trả cho người trước).
Mặc dù được coi là căn bệnh trầm kha của hệ thống tài chính, được nhắc đến trong rất nhiều nghị quyết, nghị định, đề án chính sách tái cấu trúc các TCTD, nhưng cho tới nay đa số các báo cáo và thông điệp chính sách chưa nhận diện được rõ ràng và đầy đủ về nợ xấu, chưa nhìn nhận đúng bản chất và thực trạng nợ xấu cũng như nguyên nhân phát sinh nợ xấu, và vì thế chưa có cách tiếp cận xử lý nợ xấu một cách thực chất, hiệu quả.

Con số 600.000 tỉ đồng nợ xấu (tương đương 10,08% tổng dư nợ vào cuối năm 2016) mà Thống đốc NHNN mới công bố cũng chỉ là một con số ước chừng, trong đó chưa làm rõ nợ xấu phân loại theo nhóm ngành ra sao, phân bổ ở những ngân hàng nào, phân chia theo nguyên nhân và thời điểm hình thành nợ xấu, có hay không có tài sản bảo đảm và tài sản bảo đảm thuộc thể loại gì… Ngay như khi nói 6,3% trong tổng nợ xấu là thuộc về doanh nghiệp nhà nước, nếu theo Luật Doanh nghiệp sửa đổi từ năm 2014 thì ở đây mới chỉ đề cập đến doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Như vậy, 64% tổng nợ xấu thuộc doanh nghiệp ngoài quốc doanh (theo công bố của Thống đốc NHNN tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi) có bao nhiêu là các doanh nghiệp có vốn nhà nước thì chưa rõ ràng.

Nếu tiếp tục đổ lỗi nguyên nhân nợ xấu do yếu tố khách quan thị trường thế giới hay năng lực, nhận thức của một số cá nhân, tổ chức mà không nhìn trực diện vào nguyên nhân mang tính hệ thống căn cơ thì nợ xấu sẽ lại tiếp tục được tái tạo với quy mô lớn hơn và hình thức phức tạp hơn trước.

Căn nguyên của nợ xấu từ góc nhìn quản trị

Chỉ khi công nhận căn nguyên nợ xấu xuất phát từ quản trị nhà nước trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng thì mới có thể bàn đến giải pháp phù hợp nhằm quản lý và xử lý nợ xấu hiệu quả, tái cấu trúc và phát triển hệ thống tín dụng lành mạnh.Box phải

Nhìn từ góc độ quản trị, những nguyên nhân căn cơ này không chỉ nằm ở quản trị nội bộ của các ngân hàng thương mại (NHTM), mà xuất phát trước tiên từ những yếu kém về quản trị quốc gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Từ phía Chính phủ, những chính sách thúc đẩy tăng trưởng nóng trong giai đoạn 2006-2010 đòi hỏi tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trong khi năng lực hấp thụ vốn không tương thích, quan hệ tín dụng không dựa trên nguyên tắc thị trường là nguyên nhân căn bản nhất dẫn đến phát sinh nợ xấu. Vinashin, Vinalines, hay 12 dự án ngàn tỉ thua lỗ, đắp chiếu… là một số ví dụ điển hình.

Ở cấp độ của NHNN, những chính sách mang nặng tính chủ quan, hành chính như Nghị định 141 về tăng vốn điều lệ, chính sách áp đặt trần lãi suất đi ngược quy luật thị trường tín dụng, chính sách lãi suất cơ bản xa rời nhịp sống thật của thị trường tiền tệ, tín dụng… cũng góp phần không nhỏ hình thành tình trạng sở hữu chồng chéo và nợ xấu. Trong chưa đầy 10 năm (từ 2005-2012), có những ngân hàng có vốn điều lệ tăng hơn 220 lần (Ngân hàng Mekong, Đại Dương, Tín Nghĩa), thậm chí có ngân hàng vốn điều lệ tăng 600 lần (Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex).

Cứ mỗi đồng vốn chủ sở hữu bỏ ra thì ngân hàng huy động thêm trung bình 15-20 đồng từ các nguồn khác để đảm bảo hiệu quả tài chính cho chủ sở hữu (ROE). Tăng vốn điều lệ nhanh chóng dẫn đến sức ép tương ứng trong việc làm đẹp báo cáo tài chính, huy động tiền gửi và cho vay dẫn đến hình thành hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, từ việc tăng vốn ảo, tăng huy động và dư nợ ảo đến những khoản chi ngoài lãi suất chăm sóc khách hàng, những vi phạm trong quá trình xét duyệt tín dụng…

Trong khi đó, vai trò giám sát của NHNN về cơ bản lại bị vô hiệu. Mặc dù có yếu tố hạn chế về năng lực và nhân sự, nhưng trước hết nguyên nhân là do thiếu động cơ thúc đẩy NHNN thực hiện tốt vai trò giám sát. Vốn dĩ đã không hoàn toàn độc lập, NHNN lại vừa giữ vai trò cơ quan nhà nước điều tiết, giám sát các TCTD, vừa đại diện vốn nhà nước trong một số NHTM, do đó những xung đột lợi ích chồng chất dẫn đến hệ quả tất yếu là một số chính sách thiếu nhất quán, mang tính hành chính và hình thức.

Ngay cả để ứng phó trong bối cảnh khủng hoảng, trong tình trạng biến động mạnh của thị trường nhằm duy trì niềm tin và đảm bảo ổn định xã hội, ít nhất Chính phủ và NHNN phải nắm rõ thực trạng hệ thống tài chính. Thế nhưng, trong nhiều năm trước, cơ sở hạ tầng dữ liệu, chuẩn mực kế toán và chính sách quản trị thông tin, quản trị rủi ro chưa được triển khai chặt chẽ dẫn đến nhiều trường hợp bất cập của hệ thống tài chính nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Trong dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu, việc đánh giá thực trạng một TCTD yếu kém cần tới sáu tháng, điều này cho thấy rõ sự bất cập của NHNN trong việc cập nhật thông tin và kiểm soát tình hình hệ thống. Hay khi đánh giá lại hệ số an toàn vốn (CAR) thì hệ số CAR của bốn NHTM nhà nước trong nhóm thí điểm giảm từ mức trên 9% theo Thông tư 13 xuống chỉ còn dưới 8% theo chuẩn mực quốc tế Basel II.

Tóm lại, trong bối cảnh một ngân hàng trung ương (NHNN) thiếu độc lập, đa nhiệm, đa mục tiêu, xung đột lợi ích và thiếu cơ sở hạ tầng thông tin cập nhật, các chính sách điều tiết giám sát quản trị hệ thống tài chính ngân hàng đã thúc đẩy gia tăng rủi ro đạo đức từ cả các TCTD lẫn bên sử dụng vốn vay, hình thành những biến tướng thị trường và rủi ro khôn lường, vượt tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Chỉ khi công nhận căn nguyên nợ xấu xuất phát từ quản trị nhà nước trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng thì mới có thể bàn đến giải pháp phù hợp nhằm quản lý và xử lý nợ xấu hiệu quả, tái cấu trúc và phát triển hệ thống tín dụng lành mạnh.


 

124. Nhận bảo đảm bằng bất động sản hình thành trong tương lai từ chủ đầu tư dự án nhà ở

Bùi Đức Giang

Nguồn: Tạp chí Ngân hàng, 25/4/2017

Trong thực tế thực hiện các dự án nhà ở thương mại, việc huy động vốn từ các ngân hàng hết sức phổ biến. Do pháp luật nhà ở và kinh doanh bất động sản không có các quy định chuyên biệt giúp bảo vệ bên cho vay nên việc có các biện pháp bảo đảm hiệu quả từ chủ đầu tư là mối quan tâm hàng đầu của ngân hàng. Bài viết tập trung phân tích một số khía cạnh pháp lý của việc xác lập hợp đồng thế chấp bất động sản hình thành trong tương lai của chủ đầu tư dự án nhà ở cũng như việc giải chấp vốn đang đặt ra một số vướng mắc trong thực tế.

Mục đích và điều kiện thế chấp

Điều 147, Luật nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2014 (Luật nhà ở) quy định “chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó”. Như vậy, điều luật này cho phép chủ đầu tư có hai lựa chọn là thế chấp dự án hoặc thế chấp nhà ở tương lai thuộc dự án để vay vốn. Tuy nhiên, cần lưu ý bên nhận thế chấp chỉ có thể là các tổ chức tín dụng và mục đích thế chấp phải là để vay vốn cho việc đầu tư chính dự án hoặc xây dựng chính nhà ở đó. Nói cách khác, chủ đầu tư không thể sử dụng dự án hay nhà ở thuộc dự án này để thế chấp phục vụ cho việc vay vốn đầu tư vào một dự án khác hay nhà ở thuộc dự án đó. Nếu vi phạm, hợp đồng thế chấp có thể vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật.

Điều 148, Luật nhà ở cho phép chủ đầu tư thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng nhà ở với điều kiện phải có hồ sơ dự án, có thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt và đã có giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp chủ đầu tư thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai xây dựng trong dự án thì ngoài các điều kiện này, nhà ở thế chấp phải thuộc diện đã xây dựng xong phần móng theo quy định của pháp luật về xây dựng và không nằm trong phần dự án hoặc toàn bộ dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp trước đó. Ngoài ra, Thông tư số 26/2015/TT-NHNN ngày 9 tháng 12 năm 2015 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn trình tự, thủ tục thế chấp và giải chấp tài sản là dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai (Thông tư 26) còn đặt thêm các điều kiện là nhà ở hình thành trong tương lai được thế chấp không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu, không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thêm vào đó, nếu chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở tương lai thuộc dự án thì sau đó, chỉ được thế chấp phần dự án không bao gồm nhà ở hình thành trong tương lai này.

Thông thường, ở giai đoạn đầu của việc thực hiện dự án nhà ở, chủ đầu tư sẽ chỉ có thể sử dụng dự án nhà ở làm tài sản bảo đảm bởi vì việc thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai thuộc dự án phải thỏa mãn nhiều điều kiện bổ sung khác như nêu ở trên mà khi đó, chủ đầu tư chưa đáp ứng được.

Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT ngày 23 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (Thông tư 09) coi dự án đầu tư xây dựng nhà ở và nhà ở hình thành trong tương lai của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở là một loại tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai và do đó, trao thẩm quyền đăng ký thế chấp các tài sản này cho văn phòng đăng ký đất đai.

Về điểm này cần lưu ý, khoản 8, Điều 3, Luật nhà ở định nghĩa “dự án đầu tư xây dựng nhà ở là tổng hợp các đề xuất có liên quan đến việc sử dụng vốn để xây dựng mới nhà ở, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu ở hoặc để cải tạo, sửa chữa nhà ở trên một địa điểm nhất định”. Từ định nghĩa này có thể thấy, khó có thể coi dự án đầu tư xây dựng nhà ở là tài sản gắn liền với đất cho dù theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 174, Bộ luật dân sự 2005 và điểm d, khoản 1, Điều 107, Bộ luật dân sự 2015, một văn bản pháp luật như Thông tư 09 có thể coi một tài sản nhất định là bất động sản.

Theo quy định tại Điều 41 và các điều tiếp theo của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm, được bổ sung, sửa đổi năm 2012, để biết xem nhà ở hình thành trong tương lai đã được chủ đầu tư thế chấp hay chưa hoặc có thuộc phần dự án đã được chủ đầu tư thế chấp hay không, với điều kiện trả phí, người mua, thuê mua hay ngân hàng bán lẻ tài trợ cho giao dịch mua, thuê mua có thể yêu cầu văn phòng đăng ký đất đai cung cấp các thông tin này.

Công chứng, chứng thực hợp đồng thế chấp

Do nhà ở hình thành trong tương lai là một dạng nhà ở nên hợp đồng thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai phải được công chứng (khoản 1, Điều 122, Luật nhà ở). Việc công chứng hợp đồng thế chấp được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng; còn việc chứng thực hợp đồng thế chấp được thực hiện tại ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà ở (khoản 4, Điều 122, Luật nhà ở). Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng thế chấp là thời điểm công chứng, chứng thực (khoản 1, Điều 122, Luật nhà ở).

Đối với việc thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, do điểm a, khoản 3, Điều 167, Luật đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29 tháng 11 năm 2013 quy định phải công chứng, chứng thực hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, nên có thể hiểu là hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất không bắt buộc phải công chứng hay chứng thực. Tuy nhiên, điểm b, khoản 3 của chính Điều 167 lại quy định “hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên”. Dễ thấy trong quy định này không nêu rõ hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất thuộc danh sách hợp đồng công chứng, chứng thực theo yêu cầu. Rất tiếc là Thông tư 09 không thể hiện rõ quan điểm về vấn đề này khi quy định chung chung là hợp đồng thế chấp có công chứng, chứng thực trong trường hợp pháp luật có quy định tại một số điều của văn bản này.

Do các quy định pháp luật còn chưa thực sự rõ ràng nên để tránh nguy cơ hợp đồng thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở bị tuyên vô hiệu, ngân hàng nên yêu cầu thực hiện việc công chứng, hay chứng thực hợp đồng này.

Giải chấp

Điều 147, Luật nhà ở quy định “trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở mà […] có nhu cầu bán, cho thuê mua nhà ở đó thì phải giải chấp nhà ở này trước khi ký […] hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng, trừ trường hợp được […] bên mua, thuê mua nhà ở và bên nhận thế chấp đồng ý”.

Quy định này cụ thể hóa nguyên tắc chung của pháp luật về giao dịch bảo đảm là việc bán tài sản thế chấp phải được sự đồng ý của bên nhận thế chấp (khoản 4, Điều 349, Bộ luật dân sự 2005 và khoản 5, Điều 321, Bộ luật dân sự 2015).

Hiện nay, trong thực tế, văn bản (đồng ý) giải chấp chưa được hiểu và áp dụng một cách thống nhất một phần là do “giải chấp” là một thuật ngữ chuyên biệt của pháp luật về nhà ở, chứ không được quy định trong pháp luật chung về giao dịch bảo đảm; mặt khác, chưa có hướng dẫn cụ thể về việc giải chấp trong các văn bản pháp luật hiện hành. Thông tư 26 có nhắc đến “thỏa thuận về giải chấp tài sản thế chấp” và quy định có thể giải chấp một phần  thông qua việc rút bớt tài sản thế chấp hoặc giải chấp toàn bộ tài sản thế chấp là dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai (Điều 10).

Cần hiểu giải chấp là việc bên nhận thế chấp và chủ đầu tư thỏa thuận chấm dứt hợp đồng thế chấp để nhà ở hình thành trong tương lai trở thành tài sản “sạch” trước khi đưa vào giao dịch mới.Việc chấm dứt hợp đồng thế chấp theo thỏa thuận là điều mà khoản 4, Điều 357, Bộ luật dân sự 2005 và khoản 4, điều 327, Bộ luật dân sự 2015 cho phép.

Khoản 1, Điều 147, Luật nhà ở quy định “việc xác định nhà ở đã được giải chấp trước khi ký hợp đồng […] mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng […] được nêu rõ trong văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở”. Để kiểm tra xem nhà ở mà mình dự định giao dịch (hoặc tài trợ) đã được giải chấp hay chưa, bên mua hay thuê mua (hay ngân hàng bán lẻ) có thể yêu cầu chủ đầu tư cung cấp văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán của Sở Xây dựng nơi có nhà ở.

Thông thường ngân hàng tài trợ dự án chỉ đồng ý giải chấp khi (i) chủ đầu tư hoàn trả phần nợ vay được bảo đảm bởi giá trị nhà ở hình thành trong tương lai liên quan, (ii) chủ đầu tư bổ sung các biện pháp bảo đảm hay tài sản bảo đảm khác, hoặc (iii) tổng số tài sản bảo đảm sau khi được định giá lại trừ phần giá trị tài sản được giải chấp vẫn đảm bảo việc ngân hàng có khả năng thu hết khoản nợ khi xử lý bảo đảm. Tuy nhiên, do các trường hợp này cũng khá hiếm gặp, nên trong thực tế ngân hàng tài trợ dự án thường không đồng ý giải chấp. Khi đó, nếu người mua, thuê mua vẫn cố tình hay không biết mà ký hợp đồng với chủ đầu tư thì sẽ có nguy cơ hợp đồng mua bán, thuê mua vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật (điều 128, Bộ luật dân sự 2005 và điều 123, Bộ luật dân sự 2015) và ngân hàng tài trợ dự án đã nhận thế chấp có thể xử lý nhà ở liên quan để thu hồi nợ trong trường hợp chủ đầu tư vi phạm hợp đồng vay đã ký với ngân hàng hay có căn cứ khác cho phép xử lý thế chấp.

Cũng có trường hợp vì một số lý do nhất định, đặc biệt là khi quan hệ tín dụng giữa chủ đầu tư và ngân hàng nhận thế chấp cho phép chủ đầu tư có thể gây áp lực lên ngân hàng thì ngân hàng cũng phải đành “ngậm ngùi” giải chấp. Tuy vậy, trong trường hợp này, ngân hàng thường yêu cầu chủ đầu tư thế chấp cho mình khoản phải thu có được từ việc bán nhà ở hình thành trong tương lai được giải chấp và bên mua, thuê mua sẽ thanh toán vào tài khoản phong tỏa do chủ đầu tư mở tại ngân hàng nhận thế chấp.

Điều dễ thấy là cả Luật nhà ở và Thông tư 26 chỉ đề cập việc giải chấp nhà ở mà trước đó, chủ đầu tư đã thế chấp. Nếu chủ đầu tư đã thế chấp dự án hay một phần dự án và sau đó, muốn bán hay cho thuê mua một đơn vị nhà ở hình thành trong tương lai thuộc dự án hay phần dự án này thì có phải tiến hành thủ tục giải chấp hay không?

Thông tư 26 có một số quy định về việc giải chấp tài sản thế chấp là dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Thêm vào đó, như nêu ở trên, Luật nhà ở và Thông tư 26 đều cấm chủ đầu tư không được thế chấp nhà ở nằm trong (phần) dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp trước đó cũng như không được thế chấp phần dự án bao gồm các nhà ở hình thành trong tương lai trước đó đã được thế chấp. Đặc biệt, theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 19, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật nhà ở, “trường hợp ký hợp đồng mua bán, thuê, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai mà thu tiền trả trước của người mua, thuê, thuê mua nhà ở […], chủ đầu tư phải có văn bản gửi Sở Xây dựng nơi có nhà ở kèm theo giấy tờ chứng minh nhà ở có đủ điều kiện được bán, cho thuê mua […]; trường hợp có thế chấp dự án đầu tư xây dựng hoặc thế chấp nhà ở sẽ bán, cho thuê mua thì chủ đầu tư phải gửi kèm theo giấy tờ chứng minh đã giải chấp hoặc biên bản thống nhất của bên mua, bên thuê mua nhà ở và bên nhận thế chấp về việc không phải giải chấp và được mua bán, thuê mua nhà ở đó”.

Nói cách khác, tinh thần của các quy định này là việc giải chấp dự án hay phần dự án cũng được áp dụng khi chủ đầu tư muốn thực hiện việc giao dịch đối với nhà ở hình thành trong tương lai nằm trong (phần) dự án đó.

Từ các phân tích ở trên có thể thấy, thế chấp bất động sản của chủ đầu tư dự án nhà ở là một mảng pháp luật tương đối phức tạp và cần được hoàn thiện. Ngân hàng cần hết sức thận trọng khi xác lập loại hợp đồng này nhằm hạn chế các rủi ro có thể phát sinh, nhất là nguy cơ hợp đồng thế chấp vô hiệu hay không xử lý được tài sản thế chấp sau này.

122. Xung đột quy trình pháp lý

Tâm Dân

Nguồn: TBKTSG 14/7/2017

(TBKTSG) – Từ nhiều năm trước đây, khi vay mua sắm phương tiện vận tải để kinh doanh hoặc tiêu dùng (ô tô tải, ô tô con, xe chuyên dụng, xe máy…), khách hàng được quyền giữ và sử dụng khai thác phương tiện, đồng thời cần thỏa thuận hợp đồng thế chấp tài sản thông qua thủ tục pháp lý giao cho ngân hàng giữ bản gốc giấy chứng nhận đăng ký xe, tiến hành đăng ký giao dịch bảo đảm, thông báo đến cơ quan công an giao thông sở tại để biết cùng quản lý.

Quy trình nói trên là hợp lý và đã được vận hành từ rất nhiều năm qua mà không phát sinh vướng mắc gì lớn. Điều quan trọng hơn là quy trình này phù hợp với quy định pháp luật. Cụ thể là điều 350, Bộ luật Dân sự 2005 (Nghĩa vụ của bên nhận thế chấp tài sản): “Trong trường hợp các bên thỏa thuận bên nhận thế chấp giữ giấy tờ về tài sản thế chấp thì khi chấm dứt thế chấp phải hoàn trả cho bên thế chấp giấy tờ về tài sản thế chấp”. Tiếp đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng khẳng định lại tính hợp pháp của quy trình này tại điều 320 (Nghĩa vụ của bên thế chấp): “Giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác”.

Trên thực tế đã phát sinh không ít tình huống luật thì thông thoáng, nhưng đến công đoạn triển khai luật, các văn bản hướng dẫn do bộ, ngành, địa phương ban hành lại theo hướng siết chặt, bổ sung thêm các điều kiện.

Phân tích cụ thể hơn khía cạnh pháp lý của tình huống này, có thể khẳng định hành vi thế chấp tài sản bằng bản gốc giấy tờ đăng ký xe chính là sự thỏa thuận giữa bên cho vay và bên đi vay đã được pháp luật thừa nhận.

Căn cứ vào uy tín của khách hàng và sự đánh giá của ngân hàng, hai bên được quyền lựa chọn các giải pháp: (1) thế chấp bằng chính chiếc xe đã mua và được đăng ký hợp pháp; (2) thế chấp bằng một tài sản hợp pháp khác có giá trị tương đương; (3) bảo lãnh của bên thứ ba; (4) không có tài sản bảo đảm. Việc ngân hàng giữ bản chính giấy tờ đăng ký xe là biện pháp nghiệp vụ thông thường, tương tự giữ bản chính giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất trong suốt thời gian hợp đồng tín dụng còn hiệu lực, nhằm loại trừ các rủi ro có thể xảy ra khi chủ sở hữu phương tiện cố ý thực hiện các hành vi không hợp pháp như chuyển nhượng, mua bán xe, cầm cố…

Trong khi đó, Nghị định số 11/2012/ NĐ-CP ngày 22-2-2012 về sửa đổi bổ sung Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29-2-2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm lại ban hành bổ sung điều 20a (Giữ giấy tờ về tài sản thế chấp): “Trong trường hợp tài sản thế chấp là tàu bay, tàu biển, hoặc phương tiện giao thông quy định tại điều 7a nghị định này thì bên thế chấp giữ bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu tàu bay, giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam, giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực”.

Quy định dưới luật này vô hình trung tước bỏ “quyền thỏa thuận hợp pháp” giữa ngân hàng và khách hàng đã được Bộ luật Dân sự công nhận, đơn phương áp đặt biện pháp hành chánh một cách vô lý dẫn đến những rủi ro pháp lý và nguy cơ tổn thất tài sản không thể lường trước.

Do vậy, mặc dù quy định này đã ban hành từ khá lâu, nhưng không mang tính khả thi, giữa ngân hàng và khách hàng vẫn ngấm ngầm thỏa thuận duy trì theo cách làm cũ. Trong trường hợp nếu buộc phải thi hành, để hạn chế rủi ro, ngân hàng sẽ lập tức siết chặt hình thức cho vay thế chấp phương tiện vận tải. Lúc đó, không chỉ doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh mà cả người dân cũng gặp nhiều rắc rối trong sinh hoạt thường ngày. Điều đáng lưu ý là do xu thế cuộc sống hiện đại, tỷ trọng loại hình vay thế chấp xe đang ngày càng trở nên phổ biến và tăng trưởng khá nhanh trong tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng.

Trên thực tế đã phát sinh không ít tình huống luật thì thông thoáng, nhưng đến công đoạn triển khai luật, các văn bản hướng dẫn do bộ, ngành, địa phương ban hành lại theo hướng siết chặt, bổ sung thêm các điều kiện. Có hiện tượng về mặt hình thức thì bỏ “giấy phép chính” nhưng ẩn đằng sau đó lại gài nhiều “giấy phép con”, thậm chí nhiều quy định mâu thuẫn, chồng chéo với nội dung tinh thần của luật khiến dư luận rất bức xúc.

Cải cách hành chính nhiều năm qua mặc dù hô hào rất nhiều nhưng vẫn vướng vào thế bế tắc ì ạch vì cách làm thiếu đồng bộ này. Như trong trường hợp thế chấp tài sản là phương tiện xe, cảnh sát giao thông chỉ cần quy định rõ hơn loại giấy tờ đăng ký xe nào được lưu hành hợp pháp, bao gồm: (1) bản chính; (2) bản sao do ngân hàng nhận thế chấp cung cấp. Tuy nhiên để đảm bảo tính pháp lý, cần quy định các ngân hàng phải thực hiện cung cấp bản sao theo mẫu quy định thống nhất, có đối soát với dữ liệu về tài sản thế chấp đã liên thông giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với ngành công an giao thông, tránh sao chụp mỗi nơi mỗi kiểu, dễ giả mạo, gây khó khăn cho công tác quản lý.

119. Xử lý tài sản bảo đảm theo Bộ luật Dân sự 2015

LS.,TS. Bùi Đức Giang1

Nguồn: Tạp chí Ngân hàng, Số 1-2/2017 (29/3/2017)

Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015 (Bộ luật dân sự 2015) chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017. Phần quy định về giao dịch bảo đảm có khá nhiều quy định mới1, so với khuôn khổ pháp lý hiện hành. Bài viết này sẽ tập trung phân tích các thay đổi liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm của văn bản mới này, đồng thời đánh giá các hạn chế và tác động tới ngân hàng là bên nhận bảo đảm.

1. Các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm

Điều 299, Bộ luật dân sự 2015 quy định các trường hợp mà bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm. Các trường hợp này bao gồm: (1) Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. (2) Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật. (3) Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.

Như vậy, một mặt, điều luật này đưa ra các nguyên tắc mang tính mặc định về quyền xử lý bảo đảm của ngân hàng (nhất là trong trường hợp các bên không có thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm); mặt khác, nó cũng cho phép các bên thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm của mình về các trường hợp xử lý bảo đảm khác, đồng thời ghi nhận các trường hợp xử lý bảo đảm bắt buộc theo quy định tại một văn bản luật cụ thể.

Trường hợp xử lý bảo đảm đầu tiên nêu ở trên là trường hợp thông thường khi có vi phạm nghĩa vụ được bảo đảm.

Trường hợp thứ hai thường xảy ra khi ngân hàng thu hồi nợ trước hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, khi một tài sản được sử dụng để bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ (khoản 3, Điều 296, Bộ luật dân sự 2015) hay trước khi tuyên bố bên có nghĩa vụ phá sản (điểm b, khoản 1, Điều 53, Luật phá sản số 51/2014/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2014).

Một văn bản luật cũng có thể quy định về trường hợp xử lý bảo đảm. Chẳng hạn, theo quy định tại Điều 90, Luật thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008, được bổ sung, sửa đổi năm 2014 (Luật thi hành dân sự), trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án. Ngoài ra, các bên cũng có thể thỏa thuận về một số trường hợp xử lý tài sản bảo đảm khác, như khi bên vay vi phạm một nghĩa vụ nào đó của hợp đồng vay hay bên bảo đảm vi phạm một nghĩa vụ nào đó nêu trong hợp đồng bảo đảm.

2. Các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp

Nguyên tắc chung – Theo quy định tại khoản 1, Điều 303, các bên có thể thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây: (1) Bán đấu giá tài sản; (2) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản; (3)Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm; (4) Phương thức khác.

Đây là một danh sách mở bởi vì điều luật này cũng quy định khả năng các bên có thể thỏa thuận về các phương thức xử lý tài sản bảo đảm khác, ngoài ba phương thức đã được liệt kê.

Chẳng hạn, các bên có thể thỏa thuận về việc đưa tài sản bảo đảm vào khai thác hay cho thuê và số tiền thu được từ việc khai thác hay cho thuê sẽ được sử dụng vào việc thanh toán nghĩa vụ được bảo đảm.

Trong trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm thì tài sản sẽ được bán đấu giá (khoản 2, Điều 303).

Cũng cần lưu ý trong một số trường hợp pháp luật có thể ấn định phương thức xử lý tài sản bảo đảm. Chẳng hạn, theo quy định tại khoản 2, Điều 149, Luật nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2014, việc xử lý tài sản thế chấp là dự án đầu tư xây dựng nhà ở chỉ có thể được thực hiện thông qua việc chuyển nhượng dự án cho một bên đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở.

Bán đấu giá tài sản – Điều dễ nhận thấy là nhà làm luật đã chính thức công nhận việc bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có thể thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm về việc bán đấu giá tài sản để xử lý tài sản bảo đảm. Như vậy, phương thức bán đấu giá tài sản có thể được sử dụng để xử lý tài sản bảo đảm trong ba trường hợp chính, đó là (i) nếu các bên có thỏa thuận sử dụng phương thức xử lý bảo đảm này, (ii) bán tài sản đã kê biên là động sản có giá trị từ 2.000.000 đồng và bất động sản (Điều 101, Luật thi hành án dân sự), (iii) trong trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm (khoản 2, Điều 303, Bộ luật dân sự 2015).

Việc bán đấu giá tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về bản đấu giá tài sản. Hiện nay, khuôn khổ pháp lý về bán đấu giá tài sản được điều chỉnh chủ yếu bởi Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2010 về bán đấu giá tài sản và Thông tư số 23/2010/TT-BTP ngày 06 tháng 12 năm 2010 của Bộ
Tư pháp.

Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản – Điều 195, Bộ luật dân sự 2015 quy định “người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật”. Điểm b, khoản 1, Điều 303 đã mở ra một ngoại lệ cho bên nhận bảo đảm là người không phải chủ sở hữu của tài sản bảo đảm – được tự bán tài sản bảo đảm.

Như vậy, để ngân hàng được tự mình bán tài sản cầm cố hay thế chấp, chỉ cần các bên có thỏa thuận về phương thức xử lý bảo đảm này, mà không cần có ủy quyền của bên bảo đảm cho ngân hàng vì mục đích này. Đây là một quy định mới và được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngân hàng trong việc xử lý bảo đảm.

Bộ luật dân sự 2015 không đề cập thời điểm mà các bên có thể thỏa thuận về việc ngân hàng tự bán tài sản bảo đảm. Có thể hiểu, các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm hoặc vào thời điểm xử lý tài sản bảo đảm.

Nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ – Một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp được quy định tại khoản 1, Điều 303 là “bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm”. Không biết vô tình hay hữu ý mà ở đây người làm luật chỉ cho phép các bên thỏa thuận sử dụng phương thức này nếu nghĩa vụ được bảo đảm ở đây chính là nghĩa vụ của bên bảo đảm. Nói cách khác, phương thức xử lý bảo đảm theo thỏa thuận này không áp dụng cho trường hợp một bên thế chấp hay cầm cố tài sản của mình để bảo đảm cho một bên khác vay vốn tại ngân hàng. Trong trường hợp này, các bên cần quy định các phương thức xử lý bảo đảm khác.

3. Thủ tục xử lý tài sản bảo đảm

Thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm – Theo quy định tại Điều 300, trừ trường hợp tài sản bảo đảm có nguy cơ bị hư hỏng, về nguyên tắc “trước khi xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác”. Vấn đề ở đây là cần phải hiểu “thời hạn hợp lý” là bao nhiêu ngày? Có sự khác biệt khi tài sản bảo đảm là động sản và khi tài sản bảo đảm là bất động sản hay không? Liệu các bên có thể thỏa thuận rõ một thời hạn thông báo trong hợp đồng bảo đảm? Cần lưu ý khái niệm “thời hạn hợp lý” (reasonable time) vốn được lấy từ pháp luật của các nước Anh – Mỹ mà tại đó, hiện nay, nó đang bị chì trích và càng ngày càng ít được sử dụng trong các quy định pháp luật cũng như các hợp đồng tài chính và thương mại.

Hơn nữa, khoản 2, Điều 300 quy định “trường hợp bên nhận bảo đảm không thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm […] mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bảo đảm, các bên cùng nhận bảo đảm khác”. Dù quy định này không nêu rõ liệu nếu không thực hiện việc thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm thì sẽ có tác động nào đến việc xử lý tài sản bảo đảm nhưng dường như hàm ý rằng, việc không thông báo không ảnh hưởng đến quá trình xử lý bảo đảm và ngân hàng chỉ phải bồi thường thiệt hại nếu như việc không thực hiện việc thông báo này dẫn tới thiệt hại cho các bên liên quan.

Giao tài sản bảo đảm để xử lý – Điều 301 quy định “người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý […]. Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”. Có thể thấy, không nhất thiết phải quy định về quyền yêu cầu Tòa án can thiệp như trong điều luật này bởi vì đây là một quyền hiển nhiên được pháp luật thừa nhận: chủ thể của một quyền nhất định luôn có thể yêu cầu Tòa án can thiệp để thực hiện quyền đó của mình. Thêm vào đó, điều luật này cũng như khoản 5 Điều 323 (áp dụng đối với trường hợp thế chấp) chỉ nêu quyền của bên nhận bảo đảm được yêu cầu bên bảo đảm hoặc người thứ ba giữ tài sản bảo đảm giao tài sản đó cho mình để xử lý, chứ chưa đề cập đến quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý. Các yếu tố này khiến một số người lo ngại việc nhà làm luật chủ định bỏ quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý của ngân hàng.

Về điểm này cần lưu ý, Điều 307 có nhắc đến “chi phí thu giữ”. Liệu có thể hiểu là điều luật này gián tiếp công nhận quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý của bên nhận bảo đảm? Thông thường, bên thứ ba mua tài sản bảo đảm thường chỉ yên tâm mua tài sản (ngay cả khi tài sản bảo đảm được bán đấu giá) khi ngân hàng đang quản lý hay nắm giữ được tài sản bảo đảm. Tương tự, quyền thu giữ cũng phát huy được tác dụng khi bên bảo đảm bỏ trốn hay không hợp tác, khi đó ngân hàng sẽ lập biên bản thu giữ có xác nhận của cơ quan công quyền và sau đó, tiến hành bán đấu giá tài sản.

Hơn nữa, khả năng tìm kiếm sự hỗ trợ của các cơ quan công quyền (Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và cơ quan Công an) trong việc thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý cũng không được ghi nhận trong Bộ luật dân sự 2015 trong khi trong thực tế, một số ngân hàng triển khai một cách khá hiệu quả cơ chế này.

Định giá tài sản bảo đảm – Khoản 2, Điều 306 đặt ra yêu cầu “việc định giá tài sản bảo đảm phải bảo đảm khách quan, phù hợp với giá thị trường”. Đây là một yêu cầu phù hợp nhằm tránh việc tài sản bảo đảm được định giá dưới mức giá thị trường (nhất là trong trường hợp bên nhận bảo đảm tự bán tài sản bảo đảm để xử lý); và vì thế, ảnh hưởng đến quyền lợi của bên bảo đảm. Tuy nhiên, nếu đọc Điều 306 thì vẫn chưa rõ liệu yêu cầu này có áp dụng cho trường hợp bên nhận bảo đảm và bên bảo đảm thỏa thuận về giá tài sản bảo đảm hay không, nhất là khi mức giá thỏa thuận rõ ràng thấp hơn mức giá thị trường của tài sản bảo đảm? Hơn nữa, do khoản 3, Điều 306 chỉ nêu chế tài bồi thường thiệt hại áp dụng cho hành vi vi phạm của tổ chức định giá trong quá trình định giá tài sản, nên liệu có thể hiểu tinh thần của Bộ luật dân sự 2015 là yêu cầu định giá phù hợp với giá thị trường chỉ áp dụng cho việc định giá thông qua tổ chức định giá hay không? Thiết nghĩ, cần đi theo hướng này bởi nó tôn trọng sự thỏa thuận của các bên: ngân hàng chỉ phải bồi thường thiệt hại nếu bên bảo đảm chứng minh được việc bị cưỡng ép trong việc xác định giá tài sản bảo đảm. Cách tiếp cận này, cũng phù hợp với tinh thần của điểm c, khoản 3, Điều 104, Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015; theo đó, Tòa án chỉ can thiệp định giá tài sản trong trường hợp “các bên thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá tài sản theo mức giá thấp so với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba hoặc có căn cứ cho thấy tổ chức thẩm định giá tài sản đã vi phạm pháp luật khi thẩm định giá”.

Có thể thấy, các quy định mới của Bộ luật dân sự 2015 về xử lý tài sản bảo đảm tuy ít nhiều có bước đột phá nhưng còn bộc lộ khá nhiều hạn chế. Đây là một điều thực sự đáng tiếc, nhất là trong bối cảnh ngân hàng còn gặp khá nhiều khó khăn khi xử lý tài sản bảo đảm như hiện nay.


1 Xem thêm, Bùi Đức Giang, “Xác lập biện pháp bảo đảm bằng tài sản theo Bộ luật dân sự 2015», Tạp chí Ngân hàng, số 18 tháng 9/2016.

*1 Giảng viên Công ty TNHH Tư vấn và đào tạo Bankpro

113. Hạn chế rủi ro từ quy định cầm giữ tài sản

Luật sư Trần Quang Vinh (Công ty Luật Tindona)

Nguồn: TBKTSG Online, 17/10/2016

(TBKTSG) – Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2017. So với quy định hiện hành, BLDS có nhiều điểm mới liên quan đến một số lĩnh vực. Trong đó, đáng chú ý là nội dung về giao dịch bảo đảm.

Tại khoản 9, điều 292 BLDS đã bổ sung thêm việc cầm giữ tài sản cũng là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Theo đó, điều 346 BLDS quy định bên cầm giữ đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được quyền chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đối với mình.

Khi đọc lướt qua biện pháp này, tưởng chừng là bình thường nhưng nếu phân tích kỹ thì trong một số trường hợp quy định này có thể dẫn đến rủi ro cho ngân hàng là bên cho vay có bảo đảm. Trường hợp tài sản bảo đảm là động sản, kể cả động sản phải đăng ký sở hữu như quyền sở hữu xe máy, ô tô, tàu, thuyền… thì trên thực tế ngân hàng chỉ giữ hồ sơ, chứng từ, giấy tờ của tài sản và chủ sở hữu tài sản vẫn được quyền chiếm hữu và sử dụng tài sản để phục vụ việc kinh doanh và đi lại.

Do đó, trong quá trình sử dụng vốn vay của ngân hàng, rất dễ xảy ra trường hợp tài sản bảo đảm bị bên thứ ba cầm giữ (thông qua hình thức hợp đồng song vụ giữa khách hàng và bên cầm giữ tài sản). Một trường hợp có khả năng xảy ra là khách hàng thế chấp xe ô tô cho ngân hàng để vay vốn, sau đó khách hàng đem xe đi sửa chữa. Khi xe được sửa xong, khách hàng không thanh toán phí sửa chữa nên người sửa chữa xe đã cầm giữ tài sản này để yêu cầu khách hàng thực hiện nghĩa vụ thanh toán chi phí sửa chữa cho mình. Trong trường hợp này, theo quy định của BLDS thì người sửa chữa xe là bên cầm giữ tài sản chỉ có nghĩa vụ phải giao lại tài sản khi nợ của mình đã được thanh toán (khoản 4, điều 349 BLDS), đồng thời việc cầm giữ tài sản của bên cầm giữ tài sản sẽ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba (ở đây là ngân hàng đã cho khách hàng vay và nhận chiếc xe ô tô trên làm tài sản bảo đảm) kể từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản (khoản 2, điều 347 BLDS).

Như vậy, theo quy định mới của BLDS, khi tài sản bảo đảm bị bên thứ ba cầm giữ theo trường hợp trên thì ngân hàng không được quyền thu hồi tài sản hoặc không được quyền yêu cầu bên cầm giữ tài sản giao tài sản cho mình mà ngân hàng chỉ có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ (khách hàng) thực hiện nghĩa vụ với bên cầm giữ tài sản hoặc ngân hàng chủ động thanh toán chi phí sửa xe cho bên cầm giữ tài sản để nhận lại tài sản để xử lý thu hồi nợ. Tuy nhiên, vấn đề sẽ phức tạp hơn nếu khách hàng và bên cầm giữ tài sản cấu kết với nhau để nâng khống chi phí sửa chữa xe nhằm buộc ngân hàng phải bỏ ra số tiền nhiều hơn mới có thể nhận được tài sản bảo đảm để xử lý.

Trong BLDS cũng không có nội dung nào có thể hạn chế được rủi ro nêu trên. Do đó, sắp tới, khi Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn nội dung về giao dịch bảo đảm của BLDS, cần phải có các quy định để phòng ngừa các rủi ro nêu trên. Thiết nghĩ, nghị định cần theo hướng xác định rõ những loại tài sản nào thì bên cầm giữ được quyền cầm giữ cũng như các nguyên tắc để xác định được sự hợp lý của chi phí (nghĩa vụ) mà chủ tài sản và bên cầm giữ thỏa thuận trong hợp đồng song vụ để ngăn ngừa khả năng cấu kết nâng khống nghĩa vụ thanh toán giữa bên bảo đảm và bên cầm giữ tài sản hòng trục lợi hoặc gây khó khăn cho ngân hàng trong việc nhận lại tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ.

103. “Không đâu như Việt Nam, người vay có tính “xù nợ” rất cao”(!?)

Nguồn: Infonet.vn, 11/10/2015

“Người vay ở Việt Nam khác thế giới, có xu hướng xù nợ, tâm lý xù nợ rất cao. Rất nhiều con nợ lấy lý do đi chữa bệnh, khóa cửa thế là đành chịu…”

Đó là ý kiến của ông Vũ Đức Long, Nguyên Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp), tại buổi Họp lấy ý kiến về khó khăn, vướng mắc và kiến nghị trong thực hiện quy định, thực hiện quy định, thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến phát mại tài sản đảm bảo và xử lý nợ xấu do Hội đồng tư vấn cải cách TTHC tổ chức ngày 9/10.

Người vay thích… xù nợ?

Ông Vũ Đức Long đánh giá: “Tôi thấy nợ xấu có vẻ đã đằm đằm xuống nhưng tôi nghĩ con số nợ xấu nợ xấu 3% là con số đẹp, thực tế thì cao hơn nhiều. Còn VAMC mới thu nợ chứ chưa phân loại để xử lý. Chúng ta cũng đã sát nhập ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém nhưng đeo nợ vẫn dai dẳng. Tôi cho nguyên nhân sâu xa là Bộ luật Dân sự”.

Theo ông, nhiều nước coi tài sản đảm bảo là vật quyền. Nếu hợp đồng cho vay đến hạn không trả được thì lập tức người cho vay có quyền yêu cầu trả nợ, xử lý tài sản đảm bảo. Cơ chế thế giới rất đơn giản, một là trực tiếp hai là đề nghị thẩm phán… chứ ko phải như Việt Nam bên cho vay phải đi đối thoại với bên vay. Đáng nói là tình trạng người đi vay thì luôn có tính xù nợ.

“Người vay ở Việt Nam khác thế giới, có xu hướng xù nợ, tâm lý xù nợ rất cao. Rất nhiều con nợ lấy lý do đi chữa bệnh, khóa cửa thế là đành chịu. Còn trong bộ Luật Dân sự có nhiều cửa, ngóc ngách để con nợ tận dụng từ đó xù nợ mà chúng ta không ngăn chặn được”, ông Long nói.

Ông Long cho rằng tính cưỡng chế của toàn bộ hệ thống không có tác dụng cho nên Ngân hàng gần như đơn phương độc mã. Cần củng cố về cơ chế pháp luật, đưa công an, chính quyền vào cuộc, giúp ngân hàng tiếp cận tài sản, thu hồi tài sản và phát mại.

Thứ hai, bán đấu giá của Việt Nam có vấn đề. Nghị định 17 nghe rất hay nhưng doanh nghiệp bán đấu giá gần như khó quản lý, rất dễ xảy ra tình trạng hỗ trợ con nợ, trì hoãn, định giá không bình thường, tạo lợi ích cho con nợ trong đấu giá tài sản. Cần sửa đổi Nghị định 17, phải sửa và sửa nhanh, nếu không doanh nghiệp bán đấu giá sẽ “hoành hành”, hỗ trợ cho con nợ trong đáu giá tài sản.

“Tôi ủng hộ đề xuất quyền chủ động cưỡng chế, thừa phát mại đưa vào luật. Chính quyền quận huyện kết hợp với công an, thi hành án nếu không thông được vấn đề này ko xử lý được”, ông Long nói.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Việt Trung, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước Hà Nội cũng cho biết tính tự giác của con nợ thấp. Thậm chí có những nơi con nợ nhìn nhau xem “con nợ kia không trả nợ có làm sao không.”

“Vừa rồi ở La Phù, Hoài Đức, chúng tôi đã phối hợp với thi hành án tổ chức hội nghị về công tác này. Người vay vay xong không chịu trả mặc dù có khả năng trả. Khi không trả ngân hàng buộc phải đưa ra tòa nhưng khi thi hành án lại cũng nhìn nhau xem ông thi hành án có thu nợ được con nợ kia không. Tạo ra hiệu ứng dây chuyền rất nguy hiểm”, ông Trung cho biết.

Ông Nguyễn Quốc Hùng- Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho rằng để giải quyết nợ xấu trước hết phải hiểu nợ xấu là gì? Bởi thực tế ngay cả nhiều Bộ trưởng vẫn chưa hiểu được điều này. Ông cũng cho rằng vấn đề mấu chốt hiện nay phải sửa đổi Luật Dân sự.

“Chúng ta cứ nói đưa nợ xấu về 3%, mấy trăm nghìn tỷ…nhưng nhiều người cũng không hiểu được nợ xấu mất ở đâu, nợ xấu do ai sinh ra. Vẫn nhiều ý kiến cho rằng ngân hàng quá xấu, cho vay ăn tiền nên mới có nợ xấu. Điều đó hoàn toàn sai lầm. Nợ xấu xuất phát từ nền kinh tế, ví dụ có thời điểm đất mấy trăm triệu không bán nhưng đến thời điểm này bán được mấy chục triệu. Luật Dân sự mới là vấn đề mấu chốt để giải quyết đang vướng hiện nay”, ông Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng không có nơi đâu như Việt Nam “người đi vay to hơn người cho vay”.

“Đi gửi ngân hàng không ai thiếu một xu tiền lãi nhưng đi vay lại ko muốn trả. Chúng ta phải đồng tình, đấu tranh để xử lý những con nợ đấy. Cứ bảo đẩy mạnh cho vay nhưng vay không trả rồi bị đi tù thì còn ai dám cho vay, tín dụng không ai bảo vệ”, ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Thành Nam, Phó phòng công nợ Vietcombank cũng cho rằng thực trạng xử lý nợ còn nhiều vấn đề, nhiêu khê, xử lý phát mại tài sản cũng rất khó khăn. Trong khi đó quy định của pháp luật thiếu chế tài xử lý nợ xấu.

“Gần như thời gian vừa qua, các tổ chức tín dụng cũng như Vietcombank cần nhiều sự hợp tác của con nợ. Con nợ thực hiện không đúng hợp đồng nhưng không có biện pháp xử lý. Tổ chức tín dụng không có quyền xử lý nếu con nợ không hợp tác. Chính vì thế có những vụ 20 năm không xử lý xong. Con nợ có thể đưa ra khiếu nại hoặc có nhiều chiêu khiến kéo dài liên miên”, ông Nam cho biết.

Tại ngân hàng?

Còn ông Đỗ Văn Kha, Phó Vụ trưởng Vụ kiểm sát việc thi hành án dân sự Viện kiểm sát nhân dân tối cao lại cho rằng những khó khăn vướng mắc khi xử lý nợ xấu thông qua phát mại tài sản đảm bảo nằm ở phía Ngân hàng. Theo ông, hiện nay tài sản đưa vào thế chấp định giá quá cao, nhưng đấu giá không bán được. Thứ hai, tài sản không phải của chủ sở hữu đi vay nhưng ngân hàng vẫn cho vay.

Ví dụ một doanh nghiệp ở Lâm Đồng thuê lại 10 biệt thự cổ, thế chấp ngân hàng và được ngân hàng cho vay mấy chục tỷ. Mặc dù doanh nghiệp chỉ là người đi thuê, khi vướng thì không thể giải quyết được, tài sản thế chấp đã sai ngay từ đầu.

“Khi thẩm định giá cho vay phải làm kỹ, có như thế hậu quả mới hạn chế, phải đề phòng ngay từ đầu như vậy”, ông Kha nêu ý kiến.

Ông Vũ Tiến Vinh – Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng cho rằng những phát sinh nổi cộm trong vấn đề giải quyết tranh chấp đó là vấn đề định giá ngân hàng cao hơn thị trường. Không ai biết định giá đúng hay sai. Khi tòa xét xử mới nói định giá này cao hơn rất nhiều so với thị trường. Vấn đề quan trọng là phải xử lý tận gốc chứ không phải cho vay rồi, nợ xấu rồi mới bàn nhau đi giải quyết nợ xấu thì đó chỉ là giải quyết phần ngọn.

“Tôi nghĩ rằng vấn đề là không để nợ xấu xảy ra chứ không phải để xảy ra rồi mới giải quyết,  rất khó xử lý”, ông Vinh nhấn mạnh.

“Khi thẩm định tài sản tôi thấy trong biên bản nhận tài sản ghi rõ một thửa đất, trên đó có nhà cấp 4 nhưng trên địa bàn, trên diện tích đó là nhà 5 tầng. Như vậy phải chăng cán bộ tín dụng không thẩm định hoặc thẩm định sai. Khi tòa xét xử sẽ quay lại từ đầu nhưng tòa tuyên theo hồ sơ định giá do tổ chức tín dụng cấp nên sẽ không thể thực hiện”, ông Vinh nêu dẫn chứng.

Vì thế theo ông Vinh, nên quy định một tổ chức định giá độc lập, nếu định giá sai, công ty định giá phải chịu trách nhiệm.

TS.Phạm Ngọc Long, Viện trưởng viện SISME cho biết, theo kết quả thu thập ý kiến từ các ngân hàng, khi tổ chức tín dụng xử lý phát mại tài sản đảm bảo có 90%  không tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Cụ thể, chủ tài sản là con nợ không đồng ý bàn giao tài sản hoặc bàn giao không đúng quy định (chiếm 95%). Thậm chí có doanh nghiệp chống đối, cản trở việc tiếp nhận bàn giao tài sản (chiếm 90%); các cơ quan hữu quan chưa phối hợp hỗ trợ tốt theo trách nhiệm quy định (90%).

Khi tổ chức tín dụng khởi kiện doanh nghiệp ra Tòa án, những bất cập pháp luật khiến Tòa không thể hoàn tất thủ tục tố tụng khi bị đơn cố tình lẩn tránh, đi khỏi nợ cư trú, khó xác minh địa chỉ rõ ràng, đã chết mà chưa xác định người thừa kế…chiếm 98%. Xung đột về pháp lý liên quan quy định về thủ tục giải quyết vụ án thường bị kéo dài chiếm đến 93%.

Diệu Thùy

102. Thu tài sản đảm bảo: Luật pháp vẫn bảo vệ… con nợ

Nguồn: Đầu tư Chứng khoán, 16/7/2015

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico cho rằng, hệ thống pháp luật, các cơ quan quản lý hành chính vẫn còn theo tư duy bảo vệ con nợ. Có vay có trả là nguyên lý công bằng, nhưng trong con mắt của cộng đồng, chúng ta vẫn có yếu tố bênh vực những người sa cơ lỡ vận, trước hình ảnh ngân hàng lắm tiền nhiều của.

Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN được đánh giá là bước đột phá trong hành lang pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Thông tư 16 là thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên môi trường và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm. Thông tư quy định cách thức xử lý nhiều loại tài sản bảo đảm khác nhau, xử lý tài sản là bất động sản, động sản, tài sản hình thành trong tương lai.

Với mỗi dạng tài sản, Thông tư đều hướng dẫn chi tiết các thủ tục cần thiết, chẳng hạn như khi bên nhận thế chấp quyết định xử lý tài sản bảo đảm thì gửi thông báo đến chính quyền địa phương trước khi tiến hành, quy định quyền của bên nhận tài sản khi xử lý như lập phương án, thu giữ tài sản như thế nào.

Tinh thần của thông tư này là đề ra thủ tục cần thiết và trình tự cho việc thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm, quy định một số trách nhiệm của cơ quan liên quan như UBND phường, xã, nơi cư trú, trách nhiệm tổ chức cá nhân liên quan trong việc xử lý tài sản bảo đảm.

Thực ra, trước khi Thông tư liên tịch số 16/2014 được ban hành, các ngân hàng cũng đã làm theo trình tự tương tự như gửi thông báo đến cơ quan địa phương trước khi xử lý. Nhưng với thông tư này, một số vấn đề được quy định cụ thể hơn như thời hạn tiến hành từng bước hay quy định liên quan đến các công việc quản lý hành chính Nhà nước và quyền lợi bên nhận tài sản.

Trường hợp đất đai bị thu hồi thì có tính đến quyền lợi của bên nhận tài sản bảo đảm, quy định bên giải phóng mặt bằng, tổ hỗ trợ giải phóng mặt bằng có trách nhiệm liên lạc với bên nhận tài sản, xác định người thụ hưởng. Nhìn chung, đây là bước đột phá về hành lang pháp lý trong xử lý tài sản đảm bảo cho các ngân hàng.

Dù Thông tư đã có hiệu lực, nhưng theo phản ánh của nhiều ngân hàng, việc xử lý tài sản đảm bảo vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo ông, vì sao lại có hiện tượng này?

Thông tư liên tịch số 16/2014 dù đã đưa ra các quy định về thủ tục xử lý cho từng loại tài sản đảm bảo, nhưng không mang nhiều ý nghĩa trong việc xử lý tài sản đảm bảo của các ngân hàng. Bởi Thông tư không lường được các loại rủi ro về tài sản bảo đảm trong quá trình ngân hàng nhận và xử lý.

Ví dụ như nhận tài sản bảo đảm là hàng hóa tồn kho đang luân chuyển, rủi ro bất thường ở đây không phải là không bán được hàng hóa, bên thế chấp không giao hàng mà thường do số lượng giả tạo, trùng hàng, tranh chấp giữa ngân hàng và bên bán hàng do bên thế chấp chưa thanh toán hết tiền hàng.

Thông tư không thể giải quyết được những vấn đề này. Đây lại là thực tiễn vẫn phát sinh hàng ngày và gây khó khăn cho các ngân hàng.

Với đất đai, liên quan đến bán đấu giá, trường hợp hai bên không thỏa thuận được giá bán thì khách hàng được quyền chỉ định tổ chức định giá tài sản, nếu khách hàng không chỉ định thì ngân hàng mới được quyền chỉ định và nếu sau 3 lần hạ giá vẫn không bán được thì ngân hàng được nhận tài sản đó để thay thế nghĩa vụ trả nợ.

Khi nhận chính tài sản để thay thế nghĩa vụ trả nợ, Thông tư quy định các thủ tục để có thể tiến hành xử lý tài sản bảo đảm, như việc sang tên chủ quyền chỉ cần căn cứ hợp đồng bảo đảm và các giấy tờ liên quan. Những quy định này đã tạo thuận lợi hơn cho ngân hàng khi muốn xử lý tài sản bảo đảm.

Dù trao quyền cho ngân hàng rất rộng như vậy, nhưng Thông tư cũng đưa quy định bên nhận tài sản có hành vi gây thiệt hại thì phải bồi thường và bên chủ tài sản vẫn có nhiều quyền để bảo vệ mình.

Thực tiễn, một ngôi nhà bình thường chỉ cần có tranh chấp lúc đang làm thủ tục sang tên chủ quyền, thì khó mà giải quyết dứt điểm được, chưa nói đến tài sản bảo đảm. Bất cứ yếu tố nào cũng dẫn đến tranh chấp như xác định giá, hạ giá, chi phí xử lý tài sản bị khấu trừ…

Chỉ cần chủ tài sản không đồng ý, họ có thể gửi đơn thư khiếu nại đến các cơ quan quản lý sang tên chủ quyền bất động sản. Chủ tài sản còn có thể khởi kiện và đề nghị tòa án áp dụng biện pháp ngăn chặn khẩn cấp. Chỉ đơn giản là chủ tài sản gửi đơn thư khiếu nại khắp nơi, ngân hàng đã mệt rồi.

Theo ông, những hạn chế nào khiến cho việc xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng vẫn bị ách tắc?

Theo tôi, không phải thiếu quy định pháp lý mà là vướng mắc ở cách hiểu và vận dụng quy định pháp luật khác liên quan như quy định về hộ tịch, cư trú, sở hữu nhà, sang tên đăng ký sở hữu. Chẳng hạn, khi ngân hàng định thu giữ nhà đất thế chấp sẽ vướng quy định của pháp luật về quyền cư trú và các vấn đề liên quan. Thậm chí, còn có ý kiến cho rằng, ngân hàng quyết liệt thu giữ nhà đất thế chấp có thể là hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Cho đến khi ngân hàng hoàn tất thủ tục sang tên nhà đất, theo pháp luật về hộ tịch thì bên có tài sản đang là người cư trú, hợp pháp tại chỗ ở đó và có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Vì vậy, ngân hàng muốn xử lý theo Thông tư 16 có thể bị vướng bởi các quy định nơi cư trú, hộ tịch. Đáng lẽ, có thể hiểu đơn giản rằng, nếu không có quyền tài sản thì các quyền phái sinh theo tài sản đó đương nhiên cũng mất theo.

Về quản lý hành chính Nhà nước, nếu hồ sơ sang tên chủ quyền đang có khiếu kiện, tranh chấp thì sẽ bị ách tắc và chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc chờ tới khi đơn khiếu nại được rút.

Thông tư 16 đã cố gắng tạo hướng thoát ra cho công tác xử lý nợ cho ngân hàng nhưng có một vấn đề mà văn bản này cũng như hệ thống pháp luật, các cơ quan quản lý hành chính chưa vượt qua được. Đó là tư duy bảo vệ con nợ. Có vay có trả là nguyên lý công bằng, nhưng trong con mắt của cộng đồng, chúng ta vẫn có yếu tố bênh vực những người sa cơ lỡ vận, trước hình ảnh ngân hàng lắm tiền nhiều của. Suy nghĩ này là rào cản rất lớn cho công tác xử lý nợ.

Rào cản về khâu thực thi quản lý hành chính Nhà nước và rào cản từ tâm lý, nhận thức trái chiều của cộng đồng về các vấn đề pháp lý và kinh tế gây nhiều hạn chế tiêu cực trong xử lý tài sản bảo đảm cho ngành ngân hàng. Tất cả đều dẫn đến quá trình xử lý tài sản bảo đảm đi vào bế tắc, cả cơ quan quản lý Nhà nước lẫn ngân hàng dường như tồn tại sự không hành động.

Bùi Trang thực hiện